Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội tập trung cải cách, tạo tăng trưởng bền vững

Hồng Sơn| 10/07/2020 15:23

(HNMO) - Sáu tháng đầu năm 2020, Hà Nội đạt tăng trưởng kinh tế 3,39%, là mức tăng cao so với các địa phương khác trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Kết quả trên có được nhờ hàng loạt giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, khơi thông thị trường.

Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương về vấn đề này.

 Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương. (Ảnh: cafeland.vn) 

- Ông đánh giá như thế nào về mức tăng trưởng kinh tế của Hà Nội thời gian qua, nhất là trong 6 tháng đầu năm nay?

- Trước hết, qua các năm, kinh tế Hà Nội nhìn chung đều có mức tăng trưởng khá. Nhưng tôi ấn tượng về tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm nay của Thủ đô, với mức tăng 3,39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là mức tăng cao trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, gây tác hại trên diện rộng và rất nhiều hệ lụy đối với đời sống kinh tế - xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Mức tăng trưởng trên của Hà Nội đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước.

Theo tôi, điều này cũng dễ hiểu, bởi sức sống của nền kinh tế Thủ đô khá cao, bên cạnh sự thích ứng nhanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Mặt khác, kết quả cũng cho thấy những giải pháp mà Hà Nội đã triển khai để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt thời gian qua, và đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát, đã phát huy hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh đó, kết quả tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội thật sự là một điểm nhấn tái khẳng định khả năng ứng phó, giữ ổn định tình hình của chính quyền thành phố.

- Theo ông, những nguyên nhân, yếu tố nào tạo ra tốc độ tăng trưởng nói trên?

- Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Song, nguyên nhân có tính chất cốt lõi, là mạch nguồn và sâu sắc nhất phải kể đến công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây là kết quả của một quá trình, với nhận thức đầy đủ, sự quyết tâm liên tục, tinh thần vào cuộc đồng bộ, nhất quán của chính quyền thành phố và các cơ quan chức năng.

Đặc biệt, vị trí của Hà Nội trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm đã cho thấy khát vọng của Thủ đô trong công cuộc đổi mới, tập trung huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, thành phố đã có những giải pháp rất kịp thời, nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Tôi ấn tượng với cuộc đối thoại của lãnh đạo thành phố với cộng đồng doanh nghiệp ngay khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh. Từ đó, nhiều giải pháp đã được thành phố đưa ra, như khơi thông thị trường, kích cầu tiêu dùng, kết nối sản xuất - tiêu thụ...

Thành phố cũng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hoạt động một cách mạnh mẽ; chọn lĩnh vực có dư địa lớn để tập trung thu hút đầu tư, giữ đà tăng trưởng; hay quyết liệt triển khai các dự án đầu tư công với nguồn vốn rất lớn, để từ đó lan tỏa, kích thích sản xuất, thu hút đầu tư tư nhân và các nguồn lực khác…

Đặc biệt mới đây, thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển", khẳng định sự tiên phong và quyết tâm khôi phục sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

 Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển" đã khẳng định sự tiên phong và quyết tâm tăng trưởng kinh tế của thành phố.

- Theo ông, cải cách hành chính giữ vai trò như thế nào đối với tăng trưởng kinh tế?

- Hiện, Hà Nội giữ vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng PCI và đó là thành quả đáng ghi nhận. Tôi nói đáng ghi nhận vì giữ được vị trí này không dễ dàng, bởi quy mô, sự phức tạp, số lượng đầu việc cũng như yêu cầu về quản lý một đô thị lớn như Hà Nội đòi hỏi sự nỗ lực cũng như khả năng ứng phó, năng lực giải quyết công việc một cách nhanh nhạy, mang tính chuyên nghiệp.

Theo tôi, Hà Nội là Thủ đô, cũng là nơi hội tụ tinh hoa cả nước. Vì vậy, sức mạnh của thành phố còn nằm ở chất lượng nguồn nhân lực vượt trội, sự sẵn sàng về nguồn cung cho yêu cầu này lớn hơn hẳn so với các địa phương khác. Để thúc đẩy tăng trưởng thì thế mạnh trên cũng cần được phát huy tối đa, vì con người là yếu tố quyết định chất lượng cải cách.

Bên cạnh đó, cũng nên tập trung cải thiện nhanh một số tiêu chí khác (dù đang khá tốt), như chỉ số gia nhập thị trường, bởi đó là yếu tố rất quan trọng, liên hệ mật thiết đến việc tham gia thị trường của một doanh nghiệp. Nói cách khác, nhanh chậm chỉ một chút có thể là yếu tố kích đẩy một hạt nhân mới, nhưng có khi cũng làm cho một đơn vị bị loại khỏi thị trường.

Ngoài ra, mỗi cơ quan chức năng cần chủ động hơn nữa để đáp ứng các nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp một cách tự giác, lấy sự kịp thời, đầy đủ và công tâm làm thước đo.

- Ông đánh giá, dự báo gì về tình hình nửa cuối năm 2020?

- Yếu tố quan trọng nhất và cũng khó đoán định nhất, dẫn đến sự bị động của chúng ta là tình hình, diễn biến của dịch Covid-19 vẫn còn bỏ ngỏ. Như đã biết, kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Nhiều thị trường lớn của ta chưa thể khôi phục. Do đó, tôi vẫn e ngại về khả năng duy trì mức tăng trưởng của kinh tế Hà Nội trong thời gian tới. Nói cách khác, vẫn cần nỗ lực hơn nữa, phản ứng linh hoạt trong điều hành để vượt khó và phát huy nguồn lực tổng hợp.

Theo tôi, thành phố cũng cần tập trung nguồn lực cho thị trường nội địa; coi đó là biện pháp khắc phục, tạo đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp. Tôi tin tưởng thành phố sớm hoàn thiện các thủ tục, đưa các dự án đã ký kết tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển" triển khai trên thực tế, bởi đây là nguồn lực đầu tư rất lớn cho mục tiêu phát triển Thủ đô bền vững.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tập trung cải cách, tạo tăng trưởng bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.