Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên kết du lịch: Thêm sản phẩm, bền vững hơn

Hoàng Lân| 15/04/2022 06:14

(HNM) - Kể từ khi Chính phủ cho phép hoạt động du lịch mở cửa trở lại từ ngày 15-3, đồng thời hướng tới các sự kiện lớn chuẩn bị diễn ra tại Thủ đô, trong đó có Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), ngành Du lịch Hà Nội đang có sự chuyển biến mạnh mẽ. Bên cạnh việc chuẩn bị nhiều sản phẩm “độc, lạ”, Hà Nội còn tăng cường liên kết với nhiều tỉnh, thành phố để tạo thêm những tour, tuyến du lịch mới, xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn mang tính bền vững.

Hiệp hội Du lịch Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức đoàn khảo sát với các đơn vị lữ hành xây dựng tuyến du lịch mới giữa hai địa phương. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm trên những thửa ruộng bậc thang ở Pù Luông (tỉnh Thanh Hóa).

Hình thành nhiều tuyến du lịch mới

Đầu tháng 4-2022, Hiệp hội Du lịch Hà Nội thực hiện chuyến khảo sát các điểm du lịch mới tại tỉnh Thanh Hóa với sự tham gia của khoảng 70 đơn vị lữ hành, nhằm tạo thêm tuyến du lịch mới cho du khách Thủ đô. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Mỹ Nghệ, nhiều điểm đến của Thanh Hóa có thể tạo thành tuyến du lịch mới, với trải nghiệm khác biệt. Điển hình như tuyến du lịch từ Hà Nội đi trên đường mòn Hồ Chí Minh đến huyện Cẩm Lương để tham quan “suối cá thần”, trải nghiệm nghỉ dưỡng bên những thửa ruộng bậc thang thơ mộng ở Pù Luông…

Cũng trong tháng 4, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức chuyến khảo sát, tập huấn nghiệp vụ và liên kết du lịch với nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, hoạt động liên kết, tập huấn nghiệp vụ giúp các đơn vị quản lý du lịch của Hà Nội có thêm kinh nghiệm trong việc xây dựng sản phẩm, quan trọng hơn là tạo liên kết giữa các điểm đến của Hà Nội với điểm du lịch của nhiều tỉnh, thành phố.

“Sản phẩm du lịch liên kết sẽ là cầu nối để Hà Nội gia tăng thêm lượng khách từ các địa phương khác. Hà Nội cũng sẽ có thêm những sản phẩm du lịch mới để khách lưu trú dài ngày có thêm lựa chọn hấp dẫn”, bà Đặng Hương Giang cho biết thêm.

Từ giữa tháng 3-2022 đến nay, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội đã tăng cường phát triển chuỗi liên kết du lịch, tổ chức nhiều đoàn khảo sát cho các đơn vị lữ hành với các tỉnh ở khu vực Đông - Tây Bắc, như: Hòa Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Câu lạc bộ du lịch cộng đồng tổ chức chuyến khảo sát và liên kết du lịch với các tỉnh Lào Cai, Quảng Bình…

Theo Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng, nhiều sản phẩm du lịch mới đã được hình thành từ hoạt động liên kết, như: Tour caravan từ Hà Nội đi Hà Giang, Tuyên Quang. Còn theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ du lịch cộng đồng, Giám đốc Công ty cổ phần Vân Hải Xanh Phạm Hải Quỳnh, xu hướng trải nghiệm du lịch cộng đồng đang được khách nội địa và khách quốc tế ưa thích. Nhiều đơn vị lữ hành Thủ đô đã đẩy mạnh loại hình du lịch này, đưa khách từ Hà Nội đến nhiều bản du lịch mới tại Y Tý, Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Lai Châu, Mộc Châu (tỉnh Sơn La)…

Thành viên Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội khảo sát các sản phẩm đặc sản phục vụ du lịch tại tỉnh Tuyên Quang.

“Đòn bẩy” giúp du lịch Việt Nam nhanh chóng phục hồi

Hoạt động liên kết du lịch giữa các cơ quan quản lý, hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch Hà Nội với nhiều địa phương khác đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định, liên kết du lịch giữa các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần được đẩy mạnh, nhất là khi ngành Du lịch gặp khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Thực tế, gần đây đã có nhiều sản phẩm, tuyến du lịch mới được hình thành từ hoạt động liên kết, rõ nhất là sau những đợt kích cầu du lịch trong 2 năm qua. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các đợt dịch kéo dài, không ít sản phẩm vừa mới nhen nhóm hình thành đã bị “phá sản”. Nhiều chuỗi cung ứng dịch vụ hình thành từ liên minh, liên kết bị đứt gãy do phải đóng cửa hoặc không có khách.

Để hoạt động liên kết đạt hiệu quả, tạo ra những sản phẩm có giá trị bền vững, theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, các địa phương cần có chính sách rõ ràng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong việc hình thành, xây dựng sản phẩm, nhất là về giá cả và danh sách đơn vị cung ứng dịch vụ chất lượng. Còn theo Giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan, các đơn vị liên kết không chỉ hợp tác, chia sẻ về lợi ích, mà còn cần sát cánh cùng nhau giải quyết khó khăn, khủng hoảng, hỗ trợ du khách khi xảy ra những sự cố, bất lợi.

Thời điểm này, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch, chuẩn bị cho những sự kiện mang tầm quốc tế và khu vực diễn ra, trong đó Thủ đô Hà Nội đóng vai trò quan trọng. Sở Du lịch Hà Nội đã có kế hoạch triển khai nhiều hoạt động, sản phẩm du lịch mới, tăng cường kết nối thêm nhiều điểm đến ở khu vực nội thành và ngoại thành; đẩy mạnh liên kết các tỉnh, thành phố để sẵn sàng đón những đoàn khách lớn. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Hà Nội đã soạn một “thực đơn” du lịch hấp dẫn với nhiều hoạt động, sự kiện, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng cả về số lượng và chất lượng.

Đóng góp thêm cho hoạt động du lịch Thủ đô, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, Hà Nội cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, khẳng định điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn và là một trong những trung tâm kết nối khách lớn nhất cả nước. “Sự vào cuộc nhanh chóng của Hà Nội cùng sự hợp lực, đoàn kết của các địa phương và các doanh nghiệp du lịch sẽ là “đòn bẩy” giúp du lịch Việt Nam nhanh chóng phục hồi và cất cánh”, ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết du lịch: Thêm sản phẩm, bền vững hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.