Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch Thủ đô: Tạo sức bật mới sau khoảng lặng

Hoàng Lân| 28/06/2020 06:22

(HNM) - Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước, khi sở hữu gần 6.000 di tích, khoảng 1.200 lễ hội, 1.350 làng nghề cùng nền ẩm thực đa dạng... Tiềm năng, thế mạnh này cần được khai thác hiệu quả hơn nữa, góp phần tăng tính hấp dẫn và làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của Thủ đô, từ đó tạo sức bật mới cho du lịch phát triển sau khoảng lặng vì chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Sự đa dạng về sản phẩm sẽ tạo sức bật mới cho du lịch Thủ đô phát triển sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong ảnh: Du khách tham quan tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Khuê Diệp

Đa dạng sản phẩm du lịch

Với lợi thế về di sản, cảnh quan, làng nghề, bề dày văn hóa, lịch sử, có thể khái quát sản phẩm du lịch Hà Nội, gồm: Tham quan di tích, bảo tàng, khu phố cổ, danh thắng; du lịch ẩm thực, làng nghề, lễ hội, hội thảo, sinh thái… Sự đa dạng đó tạo nên sức hấp dẫn riêng cho du lịch Thủ đô, giúp du khách có nhiều lựa chọn trải nghiệm, khám phá.

Tiến sĩ Edward Koh, Giám đốc điều hành Tổng cục Du lịch Singapore khu vực Đông Nam Á rất thích khám phá Hà Nội. Ông nhiều lần cùng gia đình, bạn bè thưởng thức ẩm thực trên phố Tạ Hiện. “Tôi đặc biệt yêu thích ẩm thực Hà Nội với các món ăn đường phố ngon khó cưỡng, như: Phở, bún chả, bánh mỳ, nem… Tôi luôn tìm thấy sự thư thái khi cùng bạn bè thưởng thức ẩm thực tại phố cổ Hà Nội vào buổi tối”, ông E.Koh chia sẻ.

Theo Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng, khách quốc tế đến Việt Nam thường lưu trú vài ngày ở Hà Nội. Đa số thích tới khu phố cổ, tham quan các di tích nổi tiếng, như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn, xem múa rối nước tại Nhà hát Múa rối Thăng Long... Sự tập trung và tính kết nối cao của các điểm đến ở khu vực nội thành tạo thuận lợi cho du khách khám phá.

Trong khi đó, khu vực ngoại thành Hà Nội cũng giàu tiềm năng phát triển du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch mới được truyền thông quốc tế đánh giá cao, như: Chương trình thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) nhận “Chứng chỉ dịch vụ xuất sắc 2019” của TripAdvisor, giải vàng Stevie Awards châu Á - Thái Bình Dương năm 2018, giải “Chương trình biểu diễn văn hóa thực cảnh hàng đầu 2019” tại Hàn Quốc; làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) được thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của Thủ đô... Không ít làng nghề truyền thống của Hà Nội được các trang du lịch chọn vào nhóm điểm khám phá không thể bỏ lỡ như: Làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), làng nón Chuông (huyện Thanh Oai)…

Tạo sự liên kết giữa các đơn vị lữ hành

Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cho du khách quốc tế về kén tằm tại làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông). Ảnh: Hữu Tiệp

Đại dịch Covid-19 tạo khoảng lặng lớn cho ngành Du lịch Thủ đô, trong 5 tháng đầu năm 2020 chỉ có 4,13 triệu lượt khách đến Hà Nội, giảm 64,5% so với cùng kỳ năm trước. Song đây cũng là cơ hội để ngành tìm giải pháp tăng tính hấp dẫn cho các sản phẩm, dịch vụ. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, đây là lúc các đơn vị xây dựng sản phẩm mới, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng tính kết nối với du khách. “Thực hiện kích cầu, giảm giá lúc này là cần thiết, nhưng quan trọng hơn cả là các đơn vị cần bắt tay khai thác tiềm năng điểm đến, chuyên nghiệp hơn trong phục vụ”, ông Trần Trung Hiếu nhận định.

Từ đầu tháng 5-2020, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều điểm du lịch mở cửa trở lại, giới thiệu những chương trình mới, tham gia tích cực vào hoạt động kích cầu. Phó Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Đặng Văn Biểu cho biết, đơn vị kết hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist xây dựng tour "Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt" vào buổi tối cuối tuần, bắt đầu từ ngày 24-7. Đặc biệt, trong thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ xây dựng đề án thí điểm đưa trục Hàng Đào - chợ Đồng Xuân trở thành tuyến du lịch mới, đồng thời kết nối không gian đi bộ mở rộng phía Nam khu phố cổ với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thành thể thống nhất…

Về vấn đề khai thác thế mạnh sản phẩm du lịch, nhất là các di tích, làng nghề, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu thông tin, ngay khi đón khách trở lại, đơn vị đã chủ động phát triển dòng sản phẩm lưu niệm chuyên biệt gắn với giá trị đặc trưng của khu di tích. Đó là sản phẩm lưu niệm bằng vật liệu truyền thống như gốm, sứ, tre, vải... của các làng nghề Hà Nội gắn với truyền thống khoa bảng Việt Nam.

Còn theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) Phạm Huy Khôi, địa phương đã khởi động lại mô hình du lịch thông minh, cung cấp wifi miễn phí, khai thác sử dụng máy thuyết minh tự động, cổng thông tin điện tử du lịch, ứng dụng (apps) du lịch Bát Tràng, xe điện thông minh...

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ngô Hoài Chung cho rằng, thành phố Hà Nội có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, là điểm đến an toàn, thú vị với nhiều nét riêng. Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh đó, Hà Nội cần tạo được sự liên kết giữa các đơn vị lữ hành, điểm đến, lưu trú, xây dựng các tour trải nghiệm phù hợp với từng đối tượng khách và từng thời điểm.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, tới đây, bên cạnh việc kích cầu, ngành Du lịch Hà Nội sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm mới. Các doanh nghiệp du lịch đăng ký vào trang kích cầu du lịch Hà Nội do Sở Du lịch quản lý để giới thiệu tour, điểm du lịch mới và các dịch vụ lưu trú, vui chơi, mua sắm, ẩm thực uy tín, chất lượng. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ giúp du lịch Hà Nội nhanh chóng lấy lại sức bật phát triển sau đại dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Thủ đô: Tạo sức bật mới sau khoảng lặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.