Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vươn dậy Đắk Nông

Nguyễn Trung| 11/12/2020 06:04

(HNMCT) - Bên cạnh lợi thế là đầu mối giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Đắk Nông còn sở hữu tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú. Đó là nền tảng để Đắk Nông vươn dậy trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Tây Nguyên trong tương lai.

Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những lợi thế nổi bật

Mới đây, Tổ chức UNESCO đã công nhận Công viên địa chất Đắk Nông là Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông - công viên địa chất toàn cầu thứ 3 của Việt Nam. Tại đây hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ học, văn hóa và đa dạng sinh học. Với tổng diện tích 4.760km2, Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông trải dài trên địa bàn 6 huyện và thành phố Gia Nghĩa; bao gồm 65 điểm di sản địa chất, địa mạo với gần 50 hang động cùng các miệng núi lửa, thác nước...

Điểm nhấn của Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đray Sáp - Chư R’Luh, được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về quy mô, độ dài và tính độc đáo. Ngoài ra, trong khuôn viên này còn có nhiều hồ nước tự nhiên mang vẻ đẹp thơ mộng như hồ Ea Snô, hồ Tây hay các miệng núi lửa độc đáo như Nâm Blang, Nâm Kar, Băng Mo và hệ thống thác nước hùng vĩ. Cùng với đó là những nét độc đáo về văn hóa, lịch sử hình thành vùng đất với dấu tích hoạt động của người tiền sử.

Trên cơ sở các giá trị địa chất, địa mạo đặc sắc của Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, tỉnh Đắk Nông đã xác định 44 điểm đến và hình thành 3 tuyến du lịch theo các chủ đề: “Trường ca của lửa và nước”, “Bản giao hưởng của làn gió mới” và “Âm vang từ Trái đất” trải dài trên địa bàn 6 huyện và thành phố Gia Nghĩa. Đây là sản phẩm chủ đạo, thu hút du khách khám phá giá trị độc đáo của vùng đất Đắk Nông.

Nhắc đến Đắk Nông, không thể không kể tên Vườn quốc gia Tà Đùng (xã Đắk Som, huyện Đắk G’long) với phần lớn diện tích là rừng đại ngàn và hồ Tà Đùng gồm 36 hòn đảo lớn nhỏ, được ví như “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên”. Nơi đây sở hữu hệ động, thực vật đa dạng, phong phú với hơn 1.000 loài, nhiều loài trong số đó có trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới.

Không chỉ giàu có về trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, Đắk Nông còn là vùng đất đậm đặc giá trị văn hóa bản địa với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể độc đáo như: Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Hát sử thi Ót N’drong, dân ca Nau M’pring... Ngoài ra, Đắk Nông còn có nền ẩm thực phong phú, mang nét đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số như: M’nông, Ê đê, Mạ, Mường, Tày, Nùng...

Điểm di sản núi lửa Nâm Kar trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.

Định hình các sản phẩm đặc trưng

Với những tiềm năng nổi bật trên, Đắk Nông xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Ông Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Nông cho biết: Mặc dù mới được thành lập năm 2004 trên cơ sở tách ra từ tỉnh Đắk Lắk, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực du lịch còn khiêm tốn nhưng Đắk Nông đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư. Hiện có 7 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trong đó chủ yếu là các dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe để đón đầu xu hướng và phát huy thế mạnh của Đắk Nông.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Đắk Nông đang nỗ lực xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Sản phẩm du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông khai thác các giá trị về địa chất, địa mạo và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm khai thác cảnh quan thiên nhiên với hồ, thác, rừng cùng hệ thống hang động núi lửa; sản phẩm du lịch cộng đồng (homestay) với hơn 70% dân số làm nông nghiệp cùng nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của các dân tộc anh em; sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng khai thác nét đẹp thiên nhiên hoang sơ, khí hậu mát mẻ.

Đánh giá cao nỗ lực phát triển du lịch của tỉnh Đắk Nông, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết: “Thực tiễn chứng minh, danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu đã giúp các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng tăng trưởng lượng khách và thúc đẩy phát triển du lịch. Tổng cục Du lịch sẽ đồng hành cùng Đắk Nông trong công tác quy hoạch, quảng bá và thu hút đầu tư để Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông và các dự án khác phát triển xứng tầm, đưa Đắk Nông trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Nguyên và Việt Nam trong thời gian tới”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vươn dậy Đắk Nông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.