Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường Vành đai 4: Rất cần, nhưng chưa hình thành

Tuấn Lương| 09/07/2021 06:17

(HNM) - Tuyến đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô được quy hoạch với những mục tiêu chiến lược, lâu dài: Phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô, giảm tải áp lực cho tuyến đường Vành đai 3; tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ... Tuy nhiên, những vướng mắc về cơ chế, chính sách, đặc biệt là khó khăn trong quá trình huy động vốn, đã khiến cho tuyến vành đai liên vùng rất cần thiết này vẫn chưa được hình thành sau 10 năm.

Đường Vành đai 4 sẽ kết nối Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô, giảm tải cho đường Vành đai 3 (trong ảnh).

Vành đai 3 ngày càng quá tải

Mỗi tuần đều đặn vài chuyến, ông Phạm Quang Vinh (số 42 phố Nguyễn Thị Duệ, thành phố Hải Dương) lại điều khiển xe tải chở lương thực, thực phẩm từ Hải Dương theo quốc lộ 5 rồi qua cầu Thanh Trì, đường Vành đai 3 trên cao đi các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang... “Đây là con đường ngắn nhất, tiết kiệm nhất, nhưng nếu gặp ùn tắc thì có khi phải mất 2-3 giờ mới có thể “thoát” khỏi đường Vành đai 3 trên cao. Những lúc như vậy, chi phí xăng xe và thời gian lại thành ra nhiều hơn”, ông Vinh chia sẻ.

Ùn tắc trên tuyến Vành đai 3 cả trên cao lẫn dưới thấp đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến cầu Thanh Trì từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn, tuyến đường Vành đai 3 đã thực sự quá tải. Năng lực khai thác chỉ đáp ứng khoảng 2.000 xe/giờ song tuyến đường này đang phải “cõng” đến 5.000-6.000 xe/giờ. Tình trạng ùn tắc thường xảy ra khi có tai nạn giao thông hoặc khi lưu lượng phương tiện gia tăng đột biến vào các ngày nghỉ và dịp lễ, Tết.   

Đánh giá về nguyên nhân ùn tắc trên tuyến vành đai này, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông - Vận tải) cho rằng, tất cả các trục giao thông, các đường quốc lộ kết nối với khu vực xung quanh Hà Nội hiện đều phải đi qua đường Vành đai 3. Trong khi đó, khu vực tuyến đường Vành đai 3 đô thị hóa nhanh, tuyến đường nằm gọn trong khu dân cư, chức năng không còn là vành đai của Thủ đô. Để giải quyết tình trạng này, giải pháp căn cơ nhất là phải đầu tư tuyến đường Vành đai 4.

Cần phương án, giải pháp đột phá

Tháng 7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, dài 98km đi qua địa phận thành phố Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên. Đây là tuyến đường vành đai liên vùng phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô, giảm tải áp lực cho tuyến Vành đai 3… Dự án có quy mô 6 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng. Các địa phương nơi tuyến đường đi qua được giao chủ động lập dự án và huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng theo từng phân đoạn qua địa bàn địa phương mình.

Thế nhưng, 10 năm đã trôi qua, đến nay, dự án quan trọng này vẫn chưa được triển khai. Với đoạn thuộc địa phận Hà Nội (dài 56,5km), trước đây đã có 4 dự án được nhà đầu tư đề xuất triển khai theo phương thức PPP (đối tác công - tư). Trong đó, 3 dự án đề xuất triển khai theo hình thức hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng) và 1 dự án theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), bao gồm: Dự án xây dựng cầu Hồng Hà; Dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 đoạn từ cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến quốc lộ 32 (không bao gồm cầu Hồng Hà); Dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 đoạn từ quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; Dự án xây dựng cầu Mễ Sở và đường hai đầu cầu, đoạn nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Trong 4 dự án nói trên, 3 dự án đầu do vướng cơ chế, chính sách thay đổi nên không đủ điều kiện triển khai. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định, dự án hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng lại kể từ ngày 15-8-2020. Với dự án cuối cùng, hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đang tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Mễ Sở làm cơ sở để nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Trong khi các đoạn tuyến thuộc địa phận Hà Nội bị vướng cơ chế thì các đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên (20,3km), Bắc Ninh (21,2km) đều chưa triển khai. Nguyên nhân đã được Bộ Giao thông - Vận tải chỉ rõ, đó là khả năng huy động nguồn lực của các địa phương có dự án đi qua gặp khó khăn, trong khi tổng mức đầu tư dự án lại lớn, thủ tục đầu tư theo hình thức BT phức tạp, không khả thi với các địa phương ngoài Hà Nội.

Đề cập về khó khăn trong quá trình triển khai tuyến Vành đai 4 đoạn thuộc địa phận thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, quy mô quy hoạch cũng như tổng mức đầu tư lớn nên ngân sách địa phương không đủ khả năng cân đối thực hiện; việc kêu gọi đầu tư gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần phải có phương án, giải pháp đột phá để sớm triển khai tuyến đường có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường Vành đai 4: Rất cần, nhưng chưa hình thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.