Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cấp cầu Đuống: Đáp ứng nhiều mục tiêu

Tuấn Lương| 25/10/2021 06:41

(HNM) - Việc sớm đầu tư xây dựng cầu đường sắt Đuống và làm mới để hoàn trả cầu đường bộ đang đi trên cầu đường sắt sẽ giải quyết hiệu quả “điểm nghẽn” giao thông trên đường bộ cũng như dưới đường thủy, đồng thời giúp đường sắt lưu thông thông suốt. Công tác này nhằm giải quyết nhiều mục tiêu, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung.

Cầu Đuống có khoang thông thuyền nhỏ, tĩnh không thấp, đang là “điểm nghẽn” đối với vận tải thủy nội địa. Ảnh: Tuấn khải

“Điểm nghẽn” giao thông

Cầu Đuống được xây dựng từ năm 1902 với công năng kết hợp giao thông đường bộ (quốc lộ 1 cũ) và đường sắt (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng). Sau gần 120 năm khai thác, dù đã không ít lần được gia cố, cải tạo nhưng do lưu lượng phương tiện lưu thông quá lớn, trong đó có nhiều xe vượt quá tải trọng thiết kế, khiến cầu Đuống bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, cầu Đuống (nối phường Đức Giang, quận Long Biên với thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm) đã trở thành “nút thắt” giao thông, không đáp ứng được nhu cầu lưu thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội nói riêng cũng như các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung. Đường dẫn phía Nam cầu Đuống (đường Ngô Gia Tự) đã được đầu tư mở rộng lên 48m với 6 làn xe trong khi đường dẫn phía Bắc (đường Hà Huy Tập) vẫn chỉ có 2 làn xe, thường xuyên ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

“Bất cứ ai lưu thông trên cầu cũng dễ dàng nhận thấy các vết rạn nứt trên mố cầu, trụ cầu. Mặt cầu tồn tại nhiều “ổ gà” và những vết vá chằng chịt sau nhiều lần sửa chữa”, ông Nguyễn Văn Thắng (ngõ 622 đường Hà Huy Tập, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm) nói.

Cùng với đó, từ nhiều năm nay, cầu Đuống là “điểm nghẽn” trên tuyến vận tải thủy số 1 (Quảng Ninh - Việt Trì qua sông Đuống). Cản trở chính của cầu Đuống đối với hoạt động vận tải thủy là khoang thông thuyền quá xiên so với dòng chảy chính của sông; tĩnh không khoang thông thuyền chỉ còn 2,3-2,8m trong mùa lũ; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa chỉ khoảng 26m, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra va chạm giữa tàu và trụ cầu.

Tại cuộc họp trực tuyến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng năm 2021 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức mới đây, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải) Bùi Thiên Thu kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan sớm có phương án cải tạo, xây dựng lại cầu Đuống.

Tìm phương án khả thi nhất

Vừa qua, Ban Quản lý dự án 6 đã trình Bộ Giao thông - Vận tải thẩm định và phê duyệt Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 Thái Anh Tuấn cho rằng, việc đầu tư nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống sẽ giúp phát huy tối đa năng lực của các phương tiện có tải trọng lớn, các tàu container thời điểm mực nước cao. Đồng thời, cầu đường bộ được hoàn trả để bảo đảm an toàn giao thông và giảm thiểu ùn tắc. Như vậy, dự án sẽ giải quyết hiệu quả “điểm nghẽn” về giao thông đường thủy, đường bộ, cùng với đáp ứng nhu cầu lưu thông vận tải đường sắt.

Trong quá trình nghiên cứu, đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án đầu tư cầu đường sắt. Cụ thể, phương án 1 xây dựng mới đoạn đường sắt quốc gia Vành đai phía Đông dài 59km (đoạn từ Ngọc Hồi đến Bắc Hồng), không khai thác khu gian Gia Lâm - Yên Viên, tháo bỏ cầu Đuống hiện tại. Phương án 2 xây mới cầu đường sắt Đuống về phía thượng lưu cách cầu hiện hữu 16,5m (vị trí quy hoạch đường sắt đô thị tuyến số 1), nâng cao độ đỉnh ray lên khoảng 2,75m bảo đảm thông thuyền cấp II tĩnh không hạn chế (rộng 50m, cao 7m). Phương án 3 giữ cầu hiện tại, cải tạo làm mới kết cấu nhịp, làm mới hệ thống nâng hạ nhịp chính khoang thông thuyền, bảo đảm tĩnh không đạt cấp II (rộng 50m, cao 9,5m).

Với cầu đường bộ, đơn vị tư vấn cũng đưa ra 3 phương án. Phương án 1 làm cầu vòm thép, nhịp chính dài 100m. Phương án 2 làm cầu dầm cáp hỗn hợp, nhịp chính dài 120m. Phương án 3 làm cầu đúc hẫng, nhịp chính dài 120m.

Từ so sánh ưu điểm của từng phương án, Ban Quản lý dự án 6 đề xuất phương án 2 với cầu đường sắt Đuống và phương án 1 với cầu đường bộ. Cầu Đuống cũ sẽ được tháo dỡ để bảo đảm giao thông đường thủy thông suốt. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 1.793 tỷ đồng, bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

“Để đẩy nhanh tiến độ dự án, việc đền bù, giải phóng mặt bằng được tách thành tiểu dự án và giao cho UBND thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện”, ông Thái Anh Tuấn đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cấp cầu Đuống: Đáp ứng nhiều mục tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.