Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn xe quá tải, quá khổ: Nâng chế tài để tăng sức răn đe

Tuấn Lương| 04/08/2018 06:31

(HNM) - Các đối tượng vi phạm tìm mọi chiêu trò để đối phó, bất hợp tác, gây khó khăn với các lực lượng chức năng đang là thực trạng của “cuộc chiến” nhằm ngăn chặn tình trạng xe quá khổ, quá tải trên địa bàn Thủ đô. Cùng với nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, nâng chế tài xử phạt, Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội kiến nghị, cần tước phù hiệu đối với các phương tiện vi phạm nhiều lần; thu hồi giấy phép kinh doanh của các đơn vị có nhiều phương tiện vi phạm...

Kiểm tra xe chở quá tải tại Cảng Khuyến Lương. Ảnh: Tuấn Lương


Nhiều kiểu đối phó

Liên tục trong những ngày vừa qua, lực lượng Thanh tra GT-VT đã kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải trên nhiều tuyến đường, đầu mối bốc xếp hàng hóa trên địa bàn. Tại đường dẫn từ Cảng Khuyến Lương ra đường Nguyễn Khoái, hai cán bộ Đội Thanh tra GT-VT quận Hoàng Mai cùng một cán bộ thuộc Cảng vụ Đường thủy nội địa Hà Nội phải “canh” chiếc xe tải mang biển kiểm soát 29H-058.71. Thanh tra viên Nguyễn Thanh Yên cho biết, khi phát hiện chiếc xe nói trên có dấu hiệu chở quá tải, lực lượng chức năng đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Vậy nhưng, lái xe không xuất trình giấy tờ rồi đóng cửa xe bỏ đi nhiều giờ. Cạnh đó, chiếc xe container biển kiểm soát 15C-041.18 cũng trong tình trạng tương tự...

Ông Lê Quang Vinh, Đội trưởng Đội Thanh tra GT-VT quận Hoàng Mai chia sẻ, rất nhiều lái xe có dấu hiệu vi phạm thường phản ứng theo kiểu bất hợp tác, đóng cửa xe bỏ đi; thắc mắc cân xách tay kém chính xác và yêu cầu phải cân ở trạm cân dịch vụ. Tuy nhiên, khi đưa xe đến trạm cân dịch vụ, lái xe lại yêu cầu trạm cân phải cung cấp bản đăng kiểm cân có đóng dấu đỏ thì mới chấp nhận kết quả. Có lần kiểm tra trên tuyến đường Nguyễn Xiển, thanh tra phát hiện vi phạm và yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ, tổ chức cân tải. Ban đầu, lái xe xin bỏ qua nhưng không được liền gọi một số đối tượng "xã hội đen” đến gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Đã có những vụ việc tấn công cán bộ, nhân viên thanh tra GT-VT dẫn tới thương tích, phải chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng truy tố.

Tại nhiều tuyến đường trọng điểm khác như đường 70, Đại lộ Thăng Long, đường 32, Tố Hữu, Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông)... khi lực lượng căng mình kiểm soát ban ngày thì xe quá tải chuyển sang chạy đêm và ngược lại. Thậm chí, một số chủ xe còn thuê đội ngũ “cò” canh chừng để thông báo cho lái xe dừng hoạt động khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng. Trong khi đó, hàng trăm xe tải "cày, xới" mỗi ngày cũng đã phá nát nhiều tuyến đê trên địa bàn các huyện Gia Lâm, Phú Xuyên, Thường Tín, Ba Vì, Phúc Thọ...

Chế tài chưa đủ răn đe

Kiểm tra xe chở quá tải trên đê sông Hồng thuộc địa bàn huyện Đông Anh. Ảnh: Hữu Tiệp


Được biết, chỉ riêng từ đầu năm 2018 đến nay, trong số hơn 5.000 trường hợp xe ô tô vận tải hàng hóa vi phạm trật tự an toàn giao thông bị lực lượng này xử lý có trên 870 trường hợp vi phạm về chở hàng quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, phạt tiền khoảng 7,3 tỷ đồng, tạm giữ 22 phương tiện và tước giấy phép lái xe có thời hạn 293 trường hợp. Như vậy, số vụ kiểm tra tăng 15,5% và số tiền phạt tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2017...

Kiểm tra tăng, xử phạt cũng tăng, song tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận? Ông Trần Nhật Quang, Chánh Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội cho rằng, địa bàn rộng, lực lượng mỏng trong khi các đối tượng vi phạm luôn tìm mọi thủ đoạn để đối phó, thậm chí chống đối, bất hợp tác. Bên cạnh đó, chế tài xử lý đối với các đơn vị đầu mối bốc xếp hàng hóa cũng như phương tiện vận tải vi phạm theo quy định chưa đủ sức răn đe. Vì lợi nhuận, một số trường hợp sau khi bị lực lượng chức năng xử lý, cắt phần thành thùng vi phạm đã tự ý hàn lại để tái vi phạm. Trước kỳ "khám" kiểm định xe, các phương tiện lại thay thùng hàng hoặc cắt phần cơi nới vi phạm, sau khi kiểm định xong lắp lại như trước. Ngoài ra, hệ thống biển hạn chế tải trọng cầu, đường bộ còn thiếu, chưa đồng bộ theo Quy chuẩn 41/2016/QCVN, nên khó cho lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải phá nát kết cấu hạ tầng giao thông, Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội kiến nghị, cần khảo sát, cắm bổ sung biển hạn chế tải trọng phương tiện tại các tuyến đê; tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với việc xếp hàng hóa lên xe ô tô sai quy định; kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương và lực lượng chức năng phối hợp với Thanh tra GT-VT để kiểm soát tải trọng phương tiện ngay tại các mỏ khai thác vật liệu, các bãi khai thác, trung chuyển vật liệu xây dựng. Đặc biệt, qua kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, đề nghị Sở GT-VT Hà Nội tước phù hiệu đối với các phương tiện vi phạm nhiều lần, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải có thời hạn đối với doanh nghiệp có nhiều phương tiện vi phạm để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, chế tài xử phạt theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ...) quy định mức xử phạt thấp nhất là 750.000 đồng đối với cá nhân, 1.500.000 đồng đối với tổ chức; mức cao nhất 3.500.000 đồng với cá nhân, 7.000.000 đồng với tổ chức được cho là quá thấp, không đủ sức răn đe và cần được sửa đổi theo hướng nâng mức phạt.

Nhằm hạn chế vi phạm trật tự an toàn giao thông, Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị đầu mối bốc xếp hàng hóa và khoảng 1.300 doanh nghiệp có xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa với tổng số 2.366 phương tiện (có tải trọng trên 3,5 tấn) ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về kiểm soát tải trọng phương tiện; phân công các lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, kiên quyết cưỡng chế, yêu cầu cắt dỡ phần thành thùng xe cơi nới trái phép...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn xe quá tải, quá khổ: Nâng chế tài để tăng sức răn đe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.