Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mưa lớn, tắc đường thêm nghiêm trọng - Vì sao?

Thu Hằng - Kim Vũ| 25/10/2018 06:28

(HNM) - Tắc nghẽn, chen lấn, lộn xộn; bức xúc, mệt mỏi, thậm chí cãi vã, va chạm… là tình trạng xảy ra ở nhiều nút giao thông, tuyến đường Hà Nội, nhất là mỗi khi trời mưa. Vì sao lại có tình trạng này và đâu là giải pháp?

Mỗi khi mưa bão, nút giao thông Trần Duy Hưng - Láng luôn bị ùn tắc.


Mưa to, ùn tắc thêm nghiêm trọng

Cơn mưa chiều 23-10 đúng giờ tan tầm khiến giao thông nhiều tuyến phố trên địa bàn Thủ đô tê liệt. Tại chân cầu vượt Mai Dịch (quận Cầu Giấy), người đi xe máy dừng đột ngột bên lề đường, giữa đường để trú hoặc mặc áo mưa. Cùng lúc đó, một số trường học, các cơ quan công sở khu vực đường Xuân Thủy tan giờ làm, người đi xe máy, ô tô ùn ùn hướng về phía chân cầu khiến tình trạng tắc nghẽn càng trầm trọng.

Chị Trần Thùy Trang (quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Ngày không có mưa thì người tham gia giao thông chỉ bị dồn ứ một lúc rồi thông đường. Nhưng cứ trời mưa là tắc nghẽn. Không hiểu từ đâu mà ô tô, xe máy từ tứ phía đổ dồn về một điểm!”.

Bức xúc, mệt mỏi là tâm trạng của phần lớn người dân khi đi qua các nút giao kẹt cứng ở đường Phạm Hùng - Lê Văn Lương; Trường Chinh - Tôn Thất Tùng, Phan Bội Châu, Cửa Nam… Hầu hết các làn đường nhỏ, hẹp nên chỉ khi có mưa nhỏ đã xảy ra ùn tắc; còn khi mưa to thì giao thông tê liệt hoàn toàn. Có nhiều nguyên nhân được “điểm mặt chỉ tên”, song theo đại diện Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, “thủ phạm” chính là hạ tầng giao thông xuống cấp, đường hẹp. Trong khi đó, mỗi khi trời mưa người tham gia giao thông có xu hướng chuyển đổi phương tiện lưu thông từ xe máy sang đi ô tô cá nhân, xe taxi...

Ngoài ra, do trời mưa khiến tầm nhìn hạn chế, tốc độ phương tiện lưu thông chậm; một số công trường thi công rào chắn một phần lòng đường trong quá trình thi công cũng là lý do gây ùn tắc giao thông. Đặc biệt, trên một số tuyến đường, phố, khả năng thoát nước mặt chưa tốt, dẫn đến úng ngập một phần hay toàn bộ hệ thống đường giao thông.

Những giải pháp cấp bách


Ngoài các giải pháp lâu dài, các ngành chức năng và địa phương trên địa bàn thành phố đã có những giải pháp ứng trực kịp thời nhằm “giải cứu” cho giao thông mỗi khi... trời mưa lớn. Theo Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội), địa bàn quận Hoàn Kiếm có khu vực Cửa Nam, Phan Bội Châu, cầu Chương Dương… thường ngập úng khi trời mưa. Lực lượng cảnh sát giao thông đã bố trí giải tỏa, phân luồng giao thông tại chỗ, đồng thời huy động cán bộ tổ chức phân luồng từ xa. Đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện như xích lô đỗ sai đường, dàn hàng ngang; xe taxi, du lịch dừng đỗ đón khách dọc đường...

Vào giờ cao điểm đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân cứ mỗi khi mưa lại ùn tắc.


Đông đúc dân cư, lại có nhiều tuyến đường huyết mạch, công trình trọng điểm, giao thông ở quận Cầu Giấy luôn trong tình trạng căng thẳng mỗi khi có mưa đổ xuống. Thượng tá Nguyễn Văn Thủy, Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy cho biết, trên địa bàn quận hiện có 24 điểm thường ùn tắc giao thông.

Vì vậy, khi trời mưa, Công an quận sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện để phân luồng, hướng dẫn tại các tuyến, nút ngập úng, khu vực ùn tắc giao thông. Cùng với đó là tập trung tuần tra tại các điểm úng ngập, điểm có hệ thống đường dây tải điện, các biển quảng cáo, panô, các đoạn đường hư hỏng… để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

Về vấn đề này, theo ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, đơn vị đã thực hiện các giải pháp như thành lập Trung tâm Giám sát hệ thống thoát nước, lắp trạm đo nước tự động, camera quan sát điểm úng ngập nhằm truyền tải kịp thời thông tin về úng ngập về trung tâm, từ đó bố trí cán bộ xử lý kịp thời khi có sự cố úng ngập xảy ra. Hiện có 3/18 điểm úng ngập tồn tại từ nhiều năm đã được giải quyết triệt để, gồm ngã ba Phan Đình Giót - Quang Trung, đường Yên Nghĩa và đường Cổ Linh. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng thoát nước xuống cấp nên khi mưa lớn 50-100mm trong khoảng 2 giờ, các tuyến phố chính nội thành vẫn còn 15 điểm ngập úng cục bộ.

Về vai trò của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở cho biết, khi tắc đường xảy ra, lực lượng chức năng của Sở phối hợp với các đơn vị xác định vị trí các điểm ngập úng sau mưa để chủ động bố trí lực lượng phân luồng, hướng dẫn giao thông kịp thời; điều chỉnh luồng tuyến xe buýt tại các vị trí úng ngập… Đồng thời, Sở tiếp tục tổ chức giao thông, quy định thời gian hoạt động đối với xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (xe Grab) trên các tuyến đường hay xảy ra ùn tắc…

Giải pháp là vậy, tuy nhiên về lâu dài cần hạn chế hoạt động các phương tiện cá nhân vào khu vực nội thành. Đồng thời, tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức chấp hành đúng luật lệ giao thông; sử dụng phương tiện giao thông công cộng... Qua đó từng bước hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông, sớm khắc phục triệt để tình trạng giao thông Hà Nội cứ mưa là tắc trầm trọng như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mưa lớn, tắc đường thêm nghiêm trọng - Vì sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.