Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đánh thức” tiềm năng vận tải đường thủy nội địa

Tuấn Lương| 16/11/2018 07:23

(HNM) - Dù có nhiều tiềm năng, nhưng những năm qua ngành vận tải đường thủy nội địa Việt Nam phát triển chậm, bởi gặp phải nhiều “điểm nghẽn” như dựa vào tự nhiên là chính, nguồn kinh phí đầu tư “nhỏ giọt”, phương tiện cũ và lạc hậu...


Thống kê cho thấy, cả nước có 3.500 con sông, kênh chảy ra biển thông qua 124 cửa sông với tổng chiều dài khoảng 80.500km, trong đó có 42.000km cửa sông có khả năng phát triển vận tải đường thủy. Bên cạnh đó, cả nước có 272 cảng đường thủy nội địa, có 8.730 bến thuyền cửa biển. Đây thực sự là những tiềm năng rất lớn để phát triển ngành vận tải đường thủy nội địa Việt Nam.

So sánh với các loại hình vận tải khác, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho rằng, vận chuyển đường thủy có ưu điểm là có thể vận chuyển với khối lượng rất lớn. Cụ thể, một sà lan nhỏ có thể vận chuyển bằng 25 xe tải chạy trên đường bộ. Giá cước vận tải thủy chỉ bằng 1/2 đến 1/3 giá của vận tải đường bộ...

Có tiềm năng lớn như vậy, nhưng nhiều năm qua, ngành vận tải đường thủy nội địa Việt Nam phát triển rất chậm, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu đầu tư. Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) thừa nhận, trong giai đoạn 2011-2015, cơ cấu tỷ trọng đầu tư đường bộ chiếm hơn 70%, đường sắt là 15%, hàng hải 4,6%, hàng không 7,6% và đường thủy nội địa thấp nhất với khoảng 2,2%.

Đề cập thêm về những “điểm nghẽn”, ông Hoàng Hồng Giang cho rằng, lâu nay tư duy quá quen với khái niệm khai thác vận tải thủy dựa vào tự nhiên là chính. Phương tiện khai thác vận tải thủy phần lớn đã cũ và lạc hậu. Công tác đầu tư hạ tầng, duy tu, bảo trì chưa được quan tâm đúng mức; mô hình tổ chức kinh doanh vận tải còn manh mún, nhỏ lẻ; sự kết nối với các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển chưa phù hợp và chưa có quy hoạch hợp lý để tạo thành một mạng lưới liên thông...

Là đơn vị đang quản lý và khai thác một đội tàu biển vận chuyển hàng rời, tàu chở dầu và tàu container, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết, đường thủy nội địa tối thiểu phải có tuyến, bến và cần phải quy hoạch rõ ràng, nhưng thực tế là quy hoạch luôn đi sau phát triển kinh tế, luôn đi sau nhu cầu của thị trường...

Làm sao “đánh thức” được tiềm năng mà thiên nhiên đã ưu đãi cho ngành vận tải đường thủy nội địa Việt Nam? Thực tế, muốn phát triển, nguồn lực đầu tư phải tương xứng với tiềm năng; phải bảo đảm hoạch định được tuyến vận tải đường thủy nội địa; xây dựng các điểm kết nối, hình thành phát triển hệ thống dịch vụ vận tải, phát triển hệ thống phương tiện chuyên dùng; đào tạo đội ngũ lao động chuyên môn sâu… Bộ Giao thông - Vận tải phải là cơ quan chủ trì đánh giá lại vấn đề thị trường để giúp Chính phủ và địa phương nhìn nhận các vấn đề trên; xây dựng được danh mục và cơ chế rõ ràng để các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước xem xét đầu tư.

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa cho rằng phải tập trung giải quyết các nút thắt, nối các cảng đường thủy nội địa với đường bộ, đường sắt, đường cao tốc, khu công nghiệp, cảng biển… làm sao cho hiệu quả nhất. Ví như cảng Mỹ Tho (Tiền Giang), dưới cảng tàu có thể chở được 40-50 tấn, nhưng đường từ đó đến đường cao tốc chỉ chở được 20 tấn. Hay từ cảng Mỹ Tho cách khu công nghiệp có 30km, nhưng không có đường cho xe container vào thì coi như cảng đó vô tác dụng. Vì vậy, cần thiết phải có những con đường đủ tải trọng nối đến những bến cảng để cho các xe chuyên chở hàng từ cảng lên...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đánh thức” tiềm năng vận tải đường thủy nội địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.