Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý tài xế nghiện ngập: Tăng xử phạt, ràng buộc trách nhiệm

Lương - Thành - Tàu| 19/02/2019 06:34

(HNM) - Sau một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến lái xe sử dụng rượu, bia và các chất gây nghiện, lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt tổng kiểm tra trên địa bàn cả nước, phát hiện hàng trăm trường hợp lái xe vi phạm.

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn đối với các tài xế trên tuyến quốc lộ 31 (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang).


Lạm dụng bia rượu, dương tính với ma túy

Theo thống kê trong các đợt ra quân tổng kiểm soát các phương tiện ô tô từ 8 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải kể từ ngày 21-1 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã phát hiện, xử lý hàng trăm trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy và vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã kiểm tra hơn 18.600 phương tiện, qua đó phát hiện 28 trường hợp lái xe dương tính với ma túy, 49 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn… Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát giao thông công an các địa phương không nằm trên quốc lộ 1A đã phát hiện 37 trường hợp lái xe dương tính với ma túy. Các địa phương phát hiện nhiều lái xe dương tính với chất ma túy là Lai Châu (14 trường hợp), Bình Phước (9 trường hợp), Thanh Hóa (5 trường hợp)...

Tại Hà Nội, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết, đơn vị đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng thành lập các tổ liên ngành tuần tra lưu động và lập chốt tại các tuyến đường dẫn vào khu vực nội thành để kịp thời phát hiện, xử lý lái xe khách, xe tải, xe đầu kéo container sử dụng ma túy, nồng độ cồn. "Các tổ công tác có thể dừng bất cứ phương tiện nào dù không có lỗi vi phạm giao thông để kiểm tra hành chính, sau đó lái xe sẽ phải đo nồng độ cồn và lấy nước tiểu để kiểm tra ma túy. Các mẫu kiểm tra nhanh cho kết quả tương đối chính xác. Tuy nhiên, để cẩn trọng, mẫu kiểm tra được niêm phong để khi lái xe có khiếu nại, mẫu này sẽ được phân tích tiếp. Qua đó, đã có 3 trường hợp lái xe bị phát hiện dương tính với ma túy đã được lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện để xử lý theo quy định", Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Tại TP Hồ Chí Minh, từ ngày ra quân kiểm tra nồng độ cồn, ma túy đối với lái xe kinh doanh vận tải đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 37 lái xe dương tính với ma túy. Cụ thể, qua 5 đợt kiểm tra, Công an quận Thủ Đức đã phát hiện 17 trường hợp tại các cảng trên địa bàn phường Trường Thọ và chợ đầu mối Thủ Đức; Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08 - Công an TP Hồ Chí Minh) phát hiện 10 trường hợp; Đội Cảnh sát giao thông quận 7 phát hiện 6 trường hợp; Đội Cảnh sát giao thông huyện Nhà Bè phát hiện 1 trường hợp và Đội Cảnh sát giao thông quận 9 phát hiện 3 trường hợp. Đại tá Lê Anh Tuấn, Trưởng Công an quận Thủ Đức cho rằng, kiểm tra tình trạng lái xe sử dụng ma túy ở các cảng là chủ động giải quyết tận gốc vấn đề, vì để các xe container chạy ra đường rồi chặn lại kiểm tra sẽ rất nguy hiểm.

Riêng về nồng độ cồn, trong đợt cao điểm từ ngày 15-1 đến 10-2, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đã tổng kiểm tra 7.134 trường hợp. Qua đó đã lập biên bản xử lý 648 trường hợp, tạm giữ 72 ô tô, 576 xe máy…

Làm gì để loại bỏ “con nghiện” lái xe?

Lực lượng Cảnh sát giao thông làm việc với một lái xe dương tính với ma túy trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Tiến Thành


Ông Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế Giao thông - Vận tải nhận định, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay mặc dù cũng thực hiện theo Luật Lao động là kiểm tra sức khỏe với lái xe 6 tháng/lần, trong đó có kiểm tra ma túy, nhưng phó mặc cho lái xe, tự đi khám rồi mang kết quả về là xong. Do vậy, kết quả kiểm tra không phản ánh đúng thực trạng sức khỏe của đội ngũ lái xe.

Từ thực tế này, có thể thấy việc kiểm tra sức khỏe đối với lái xe cần được thực hiện đột xuất và phải xuất phát từ lợi ích của chính doanh nghiệp. Bởi, hơn ai hết, nếu không may xảy ra tai nạn, doanh nghiệp sẽ thiệt hại về nhân lực, tài sản và uy tín trên thị trường. Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan cần sớm nghiên cứu xây dựng phần mềm định danh để việc quản lý đội ngũ lái xe được thực hiện một cách khoa học và bài bản, tránh trường hợp lái xe nghiện bị loại từ doanh nghiệp này lại chạy sang doanh nghiệp khác làm việc.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa, TP Hồ Chí Minh cho rằng, nghiện ma túy sẽ có nguy cơ tái nghiện rất cao, do đó đối với lái xe đã nghiện thì nên cấm hành nghề. Danh sách các lái xe đã từng nghiện cần được đưa lên hệ thống để cơ quan chức năng và đơn vị tuyển dụng được biết.

Luật sư Trần Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đề xuất, cần nâng mức chế tài xử lý thì doanh nghiệp mới sợ và quản lý chặt lái xe cũng như phương tiện. Để xảy ra tai nạn do lái xe nghiện ma túy, lạm dụng bia rượu, doanh nghiệp không thể vô can. Bộ luật Hình sự đã có quy định về tội giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển dẫn tới gây hậu quả. Vì thế, ngoài việc xử lý lái xe, doanh nghiệp vận tải hay chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm vì buông lỏng quản lý, giám sát. Mức phạt cần phải được nâng lên, có thể xử lý hình sự thay vì chỉ thanh, kiểm tra và xử phạt như hiện nay.

Đề cập tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Văn Thể cho rằng, các hành vi say rượu, nghiện ma túy lái xe dẫn tới tai nạn chết người là hành vi cố tình coi thường tính mạng người khác. Vì vậy, Bộ sẽ tham mưu, kiến nghị Chính phủ bổ sung các quy định theo hướng lái xe nếu uống rượu, sử dụng ma túy, không chấp hành hiệu lệnh gây tai nạn chết người phải thu hồi bằng vĩnh viễn. Đối với chủ phương tiện, phải có trách nhiệm giám sát lái xe, không để tình trạng “khoán trắng” cho lái xe như hiện nay.

Hai ngày, hai vụ "hung thần" container gây tai nạn

(HNM) - Vào 12h10 ngày 18-2, trên đường dẫn phía Nam hầm Hải Vân xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe container và xe khách khiến 12 người bị thương.

Vào thời điểm trên, xe container biển kiểm soát 51C-602.42 kéo theo rơmoóc 51R-007.70 do tài xế Đặng Quang Thanh (sinh năm 1961, trú xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) điều khiển đâm trực diện vào xe khách biển kiểm soát 43B-041.56 do tài xế Nguyễn Văn Thái (sinh năm 1974, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) điều khiển đi chiều ngược lại. Vụ va chạm mạnh khiến đầu xe khách hư hỏng, 12 người bị thương. Đường dẫn phía Nam hầm Hải Vân ùn ứ nghiêm trọng.

* Trước đó, sáng 17-2, trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua đoạn qua địa phận xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa xảy ra tai nạn giao thông liên hoàn giữa xe container và 2 ô tô, khiến 8 người thương vong.

Cụ thể, xe container mang biển kiểm soát 15C-292.98 lưu thông theo hướng Thanh Hóa - Hà Nội bất ngờ tông vào ô tô 7 chỗ và ô tô bán tải mang biển kiểm soát 37A-356.96 và 37C-280.55 lưu thông cùng chiều. Tiếp đó, xe container tông vào mép dải phân cách rồi lao vào một quán nhỏ ven đường và lật ngang.

Cùng thời điểm trên, có 2 xe tải mang biển kiểm soát 36C-082.60 và 36C-019.34 lưu thông hướng ngược chiều không kịp xử lý đã tông vào xe container. Hậu quả vụ tai nạn khiến tài xế xe container bị mắc kẹt trong ca bin, được người dân đưa ra ngoài nhưng đã tử vong.

Như vậy, trong 2 ngày đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe container, cho thấy cần phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ với loại phương tiện mệnh danh là "hung thần" này.

Tuấn Lương - TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý tài xế nghiện ngập: Tăng xử phạt, ràng buộc trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.