Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạm giải “bài toán” khó cho giao thông tĩnh

Tuấn Lương| 11/03/2019 07:05

(HNM) - Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 549/UBND-ĐT kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phép thành phố tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện tại 4 gầm cầu vượt đến hết năm 2023...


Nhu cầu lớn, chỗ gửi thiếu

Khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố cổ vào những ngày cuối tuần luôn có rất đông khách du lịch trong và ngoài nước vui chơi, giải trí, thưởng thức ẩm thực. Cũng do lượng người tăng đột biến nên việc tìm được chỗ gửi xe vào những ngày cuối tuần trở nên khó khăn và đắt đỏ. Nhu cầu cao, thu nhập tốt, nên không ít hộ dân sống ở quận Hoàn Kiếm đã tận dụng cả những phần diện tích ít ỏi trong nhà và phần vỉa hè trước nhà để tự phát trông giữ xe.

Điểm trông giữ xe dưới gầm cầu Vĩnh Tuy được thành phố cấp phép trước khi Thông tư 35/2017/TT-BGTVT có hiệu lực. Ảnh: Tuấn Khải


Là người thường xuyên cho con nhỏ lên chơi phố đi bộ trong khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm, anh Nguyễn Văn Cường (ngõ 670 đường Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai) cho biết: “Việc tìm được chỗ gửi xe trong khu vực trung tâm vào dịp cuối tuần rất vất vả, tiền gửi lại đắt, 20.000 đồng/lượt đối với xe máy, 100.000 đồng/lượt đối với ô tô. Sau này, được biết địa điểm "của Nhà nước" - tôi hay gửi xe ở gầm cầu Chương Dương, vừa miễn phí lại thuận tiện khi đi vào các phố Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện... thưởng thức ẩm thực”.

Khu vực Bệnh viện Bạch Mai cũng là một trong những nơi có nhu cầu trông giữ phương tiện rất cao. Để giải quyết bài toán giao thông tĩnh, bệnh viện đã phải đầu tư xây dựng bãi đỗ xe cao tầng và bố trí 2-3 khu đất trống trong khuôn viên để tổ chức trông giữ xe cho cán bộ, nhân viên, cũng như thân nhân người bệnh. Tuy nhiên, các bãi trông giữ này luôn trong tình trạng kín đặc xe.

Theo chị Nguyễn Thị Thúy (ở phố Giải Phóng, đối diện Bệnh viện Bạch Mai), vì thiếu chỗ gửi xe nên nhiều người đành đỗ bừa ra cả phố Giải Phóng, Phương Mai... khiến lực lượng chức năng phải thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu di chuyển. Khu vực này ngoài Bệnh viện Bạch Mai, còn một số bệnh viện khác như Bệnh viện Việt - Pháp Hà Nội, Bệnh viện Lão khoa trung ương, Bệnh viện Da liễu trung ương... càng khiến nhu cầu đỗ xe trở nên bức thiết.

Nhằm giải quyết một phần nhu cầu trông giữ xe của nhân dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã cho phép bố trí 4 gầm cầu để tổ chức trông giữ phương tiện, gồm: Gầm cầu Vĩnh Tuy, gầm cầu Chương Dương (trông giữ phương tiện miễn phí phục vụ tuyến phố đi bộ các tối cuối tuần trên địa bàn quận Hoàn Kiếm), gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng (phục vụ nhân dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai), gầm cầu vượt Mai Dịch (phục vụ lưu giữ xe vi phạm do các lực lượng chức năng xử phạt).

Chưa có quỹ đất khác để phục vụ giao thông tĩnh

Đề cập tới vấn đề sử dụng các gầm cầu để trông giữ phương tiện, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn thừa nhận, thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực giao thông nói chung, giao thông tĩnh nói riêng, trong khi lượng phương tiện gia tăng nhanh, diện tích đất cũng như các công trình hạ tầng dành cho giao thông tĩnh lại chậm phát triển.

Thực tế đó đòi hỏi thành phố phải có những biện pháp tức thời, tận dụng mọi khả năng, mọi vị trí có thể, có điều kiện để phục vụ nhu cầu đỗ, gửi xe của người dân. 4 vị trí gầm cầu nói trên đều đã được thành phố cấp phép từ trước khi Thông tư 35/2017/TT-BGTVT ngày 9-10-2017 của Bộ Giao thông - Vận tải có hiệu lực. Đến nay, theo tinh thần của thông tư, 4 điểm này không được phép trông giữ phương tiện.

Tuy nhiên, nhu cầu của nhân dân rất lớn; đồng thời, việc tổ chức khai thác các điểm nêu trên đã ổn định, đặc biệt là bảo đảm an toàn trong nhiều năm qua. Do đó, thành phố đã kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải sửa đổi Thông tư 35/2017/TT-BGTVT, trong thời gian từ nay đến năm 2023 cho phép Hà Nội tiếp tục duy trì 4 điểm trông giữ xe dưới gầm cầu hiện có, nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân cũng như các cơ quan, đơn vị của thành phố.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc trông giữ phương tiện không gây ảnh hưởng đến tổ chức giao thông, an ninh trật tự, bảo đảm các yêu cầu về phòng chống cháy nổ...

Trên thực tế, tại nhiều đô thị phát triển trên thế giới, việc trông giữ phương tiện, thậm chí bố trí cửa hàng... tại các gầm cầu khá phổ biến. Nếu Hà Nội không có giải pháp quản lý hữu hiệu, một số gầm cầu sẽ diễn ra tình trạng trông xe tự phát, bán hàng, đổ rác, phế liệu và các tệ nạn xã hội khác. Trong ngắn hạn, ngành chức năng, cấp có thẩm quyền có thể xem xét cấp phép tạm thời trông giữ xe nếu đáp ứng đủ các điều kiện về tổ chức giao thông, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự...

Song, về lâu dài, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, thành phố Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc quy hoạch bến, bãi đỗ xe đã được phê duyệt. Khi quy hoạch được triển khai, các điểm trông giữ xe được hình thành đủ để đáp ứng nhu cầu, lúc đó việc chấm dứt hoạt động của các điểm trông giữ phương tiện tại các gầm cầu sẽ phù hợp hơn.

Trong Văn bản số 549/UBND-ĐT gửi Bộ Giao thông - Vận tải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng kiến nghị Bộ điều chỉnh một số nội dung tại Thông tư 35/2017/TT-BGTVT, qua đó cho phép thành phố được tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện dưới gầm cầu trên địa bàn đến hết năm 2023 để phục vụ nhu cầu giao dịch của các cơ quan, đơn vị, nhân dân, và các hoạt động khác của thành phố. Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải; Công an, các quận, huyện giải tỏa các điểm trông giữ xe không phép dưới các gầm cầu còn lại, tăng cường xử lý các vi phạm trong công tác trông giữ phương tiện để bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạm giải “bài toán” khó cho giao thông tĩnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.