Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư cầu bộ hành tại Hà Nội: Bảo đảm công năng, hài hòa cảnh quan

Tuấn Lương| 29/03/2019 06:50

(HNM) - Ngay từ những năm 2000, thành phố Hà Nội đã nghiên cứu chủ trương đầu tư xây dựng cầu bộ hành, đặc biệt tại các khu vực có nhiều người tham gia giao thông như cổng bệnh viện, trường học, khu công nghiệp...

Giảm ùn tắc và tai nạn giao thông

Vào thời điểm 16h30-18h30 hằng ngày, cầu vượt bộ hành trên đường Đại Cồ Việt luôn tấp nập người qua lại. Có lẽ, đây là một trong những cầu bộ hành phát huy hiệu quả cao nhất trong số hàng loạt cầu bộ hành đã được đầu tư trên địa bàn thành phố hiện nay. Em Nguyễn Văn Nam, sinh viên Viện Cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, từ ngày có cầu bộ hành, việc di chuyển từ đường Trần Đại Nghĩa và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sang phía Công viên Thống Nhất an toàn, thuận lợi hơn rất nhiều. Không chỉ có học sinh, sinh viên, hằng ngày luôn có đông người đi bộ sang công viên tập thể dục, thư giãn. Nếu không có cầu, phải đi bộ qua đường Đại Cồ Việt xe chạy như mắc cửi sẽ rất nguy hiểm với người tham gia giao thông...

Cầu vượt bộ hành trên đường Đại Cồ Việt đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: Tuấn khải


Cũng được đánh giá cao về tính hiệu quả là cây cầu vượt bộ hành hình chữ L trước cổng Bệnh viện Bạch Mai bắc qua đường Giải Phóng sang phố Lê Thanh Nghị. Sau khi cầu vượt được xây dựng, dải phân cách ở giữa đường Giải Phóng được đóng lại, "điểm đen" giao thông này lập tức được giải tỏa.

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, cầu vượt bộ hành trước cổng Bệnh viện Bạch Mai là công trình cầu dành cho người đi bộ đầu tiên được hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng. Từ đó đến nay, toàn thành phố đã có 46 cầu bộ hành được thực hiện, trong đó có 8 cầu vượt bộ hành kết hợp phục vụ tuyến buýt nhanh - BRT Kim Mã - Yên Nghĩa và 38 cầu được lắp đặt tại các cổng trường học, bệnh viện, khu vực đông dân cư và các tuyến đường vành đai... Qua thực tiễn quản lý, khai thác cũng như đánh giá của người dân, các cầu vượt bộ hành đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc thực hiện mục tiêu từng bước kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là các cầu trên phố Chùa Bộc tại cổng Học viện Ngân hàng; cầu trước cổng Bệnh viện Bạch Mai; cầu trên phố Tây Sơn trước cổng Trường Đại học Thủy lợi; cầu tại cổng Trường Tiểu học Tân Mai... Sau khi có cầu vượt bộ hành, tại những khu vực này hầu như không xảy ra các vụ tai nạn, va chạm giữa các phương tiện với người đi bộ sang đường.

Chú trọng hiệu quả và hài hòa cảnh quan

Đề cập về những khó khăn trong quá trình triển khai các dự án cầu bộ hành, theo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, đó là các vướng mắc liên quan đến mặt bằng thi công do các trụ phải đặt tại các vị trí hè có đủ điều kiện về bề rộng, trong khi mặt bằng tại nhiều điểm khá hạn chế. Cùng với đó là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các công trình ngầm - nổi vì vừa thi công vừa phải bảo đảm không gây cản trở giao thông. Tuy nhiên, các vướng mắc này đã được thành phố kịp thời chỉ đạo tháo gỡ để từng dự án triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Nhằm tiếp tục bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ qua đường và góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực, từ nay đến năm 2020, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo triển khai một số cầu vượt cho người đi bộ tại các điểm có nhu cầu cao như trên các đường: Võ Nguyên Giáp, tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Văn Cao; Thanh Nhàn; Võ Chí Công; Xuân La; Cổ Linh; Trần Khát Chân; Nguyễn Chí Thanh; Trần Quốc Hoàn; Nguyễn Khánh Toàn; Phạm Văn Bạch; đoạn gần nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Linh Đường; Phúc La - Văn Phú; quốc lộ 21 (Xốm)...

Để việc đầu tư các dự án cầu bộ hành hiệu quả hơn, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư và các sở, ngành trong quá trình nghiên cứu, thẩm định phê duyệt cần đánh giá kỹ về nhu cầu, từ đó đề xuất phương án triển khai phù hợp.

Là đơn vị được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án cầu bộ hành sắp triển khai nói trên, ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội khẳng định, đơn vị sẽ cùng các nhà thầu nỗ lực thực hiện theo đúng chỉ đạo của thành phố nhằm bảo đảm công trình khi hoàn thành đưa vào khai thác bảo đảm công năng sử dụng, đồng thời hài hòa với cảnh quan khu vực.

Song như đã nói ở trên, hầu hết các công trình cầu bộ hành trên địa bàn Thủ đô trong quá trình thiết kế và thi công gặp rất nhiều khó khăn do hạn chế về mặt bằng. Do đó, căn cứ hiện trạng từng khu vực để khảo sát lập dự án, đơn vị tư vấn sẽ đề xuất trên cơ sở thống nhất của chủ đầu tư, sau đó được cơ quan quản lý về quy hoạch thỏa thuận trước khi lập hồ sơ thiết kế trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư cầu bộ hành tại Hà Nội: Bảo đảm công năng, hài hòa cảnh quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.