Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý người đi xe máy, đi bộ vào đường cao tốc: Mạnh tay để răn đe

Thu Hằng| 09/04/2019 06:34

(HNM) - Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.

Chế tài đã có, việc xử phạt cũng được lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội thường xuyên thực hiện, thế nhưng, nhiều người dân vẫn cố tình vi phạm bất chấp nguy hiểm. Vì vậy cần có biện pháp xử lý mạnh tay để răn đe.

Chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông số 6 nhắc nhở một người nước ngoài đi vào đường Vành đai 3 trên cao.


Tràn lan vi phạm

Đường cao tốc trên cao (đoạn từ cầu vượt Mai Dịch, quận Cầu Giấy đến cầu Thanh Trì) dành riêng cho ô tô, tại hai đầu của tuyến đường vành đai 3, cơ quan chức năng đã lắp đặt hệ thống biển báo phân làn, biển cấm mô tô, xe máy và người đi bộ tham gia giao thông trên cầu. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cố tình vi phạm. Khoảng 7h sáng ngày 4-4, có mặt tại khu vực cầu vượt Mai Dịch, lối dẫn lên đường Vành đai 3 trên cao có nhiều người điều khiển xe máy ngang nhiên đi vào đây bất chấp có 2 chiến sĩ Cảnh sát giao thông cắm chốt điều khiển giao thông. Đặc biệt, tại khu vực cầu dẫn lên đường này đoạn gần Trung tâm thương mại Big C Thăng Long, có nhiều người đi bộ thản nhiên rảo bước bên cạnh là 2 làn xe ô tô chạy với tốc độ cao. Cùng với đó là nhóm xe ôm liên tục đi ngược, xuôi mời chào khách.

Đại úy Dương Quốc Cường, Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) thừa nhận, hằng ngày có nhiều xe máy, người đi bộ đi vào đường Vành đai 3 trên cao qua địa phận quận Cầu Giấy, đa phần là lái xe ôm truyền thống, lái xe ôm công nghệ lên đón khách và người vận chuyển hàng hóa.

Tương tự, khảo sát dọc đường Vành đai 3 trên cao qua địa phận các quận, huyện: Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, hình ảnh những chiếc xe máy, xe ba gác hoặc người đi bộ lưu thông diễn ra khá phổ biến. Cũng trong buổi sáng ngày 4-4, tại lối lên đường Vành đai 3, giáp ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi (hướng đi Hoàng Mai) có rất nhiều người đi bộ lên bắt xe khách. Tại đây cũng xuất hiện một số lái xe ôm lên, xuống đón khách. Tình trạng trên không chỉ diễn ra ở tuyến đường Vành đai 3 trên cao mà các tuyến đường cao tốc khác như Đại lộ Thăng Long, Pháp Vân - Cầu Giẽ... Theo ghi nhận, vi phạm chủ yếu xảy ra khi vắng lực lượng chức năng cắm chốt tuần tra, kiểm soát.

Việc người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Điển hình, vào ngày 9-11-2018, một thanh niên điều khiển xe máy chở theo hai người khác chạy trên đường vành đai 3 trên cao, hướng từ cầu Thanh Trì đi Mai Dịch, khi tới đối diện số nhà 251 Khuất Duy Tiến thì bất ngờ va chạm với một xe tải khiến nam thanh niên điều khiển xe máy bị văng, đập vào thành lan can đường và tử vong tại chỗ, một người khác bị thương nặng.

Trước thực trạng vi phạm kể trên, những năm gần đây, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các Đội Cảnh sát giao thông phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm dọc các tuyến đường cao tốc nhằm hạn chế tối đa tai nạn đáng tiếc xảy ra. Trong 3 tháng đầu năm, chỉ tính riêng đường Vành đai 3, các Đội Cảnh sát giao thông số 6, 7 và 14 đã xử phạt trực tiếp thông qua các phương tiện, biện pháp nghiệp vụ và phối hợp phạt nguội được hơn 400 xe máy; 228 xe khách và 144 xe tải dừng đỗ đón, trả khách sai quy định. Cũng trong 3 tháng đầu năm, Đội Cảnh sát giao thông số 11 đã xử phạt được 389 trường hợp đi xe máy vào cao tốc Đại lộ Thăng Long với số tiền gần 260 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng đối với tất cả các trường hợp vi phạm.

Cần giải pháp đồng bộ

Đội Cảnh sát giao thông số 14 xử phạt các trường hợp đi xe máy vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.


Với kinh nghiệm đã xử lý nhiều trường hợp xe máy đi vào đường Vành đai 3 trên cao, Thượng úy Nguyễn Tiến Dũng, Đội Cảnh sát giao thông số 14 cho biết, hầu hết các trường hợp xe máy, người đi bộ đi vào đường Vành đai 3 trên cao đều là cố tình vi phạm. Trong số đó, có nhiều đối tượng sẵn sàng chống đối lực lượng Cảnh sát giao thông. Thậm chí nhiều trường hợp quay đầu xe bỏ chạy, hoặc lăng mạ, tấn công lực lượng thực thi nhiệm vụ...

Thực tế cho thấy, mặc dù hành vi đi xe máy, đi bộ vào đường cao tốc rất nguy hiểm, nhưng vi phạm vẫn tái diễn. Nói về những khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm, Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14 chia sẻ: "Khó nhất khi xử lý vi phạm tại đường Vành đai 3 trên cao là do là tuyến đường này rộng, ô tô lưu thông tốc độ cao. Hơn nữa, các đối tượng đi xe máy vào đường Vành đai 3 thường là đối tượng ngổ ngáo, bất chấp Luật Giao thông đường bộ nên khi Cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng xe, các đối tượng sẵn sàng bỏ chạy, hoặc quay đầu đi ngược chiều. Đối với người đi bộ, hầu hết họ không hợp tác, không nộp chứng minh nhân dân nên việc xử lý không dễ...".

Để khắc phục những khó khăn kể trên, đồng thời xử lý dứt điểm tình trạng đi xe máy, đi bộ vào đường cao tốc, ngoài nỗ lực của lực lượng Cảnh sát giao thông, đã đến lúc các cơ quan chức năng từ trung ương tới Hà Nội triển khai đồng bộ các giải pháp như tăng cường phạt nguội các xe khách dừng, đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định qua hệ thống camera giám sát dọc các tuyến đường; xử lý nghiêm các doanh nghiệp có phương tiện vi phạm nhiều lần. Đối với xe máy, người đi bộ cố tình đi vào đường cao tốc, cần có “thuốc đặc trị” như lập các chốt chặn tại các điểm lên, xuống; mạnh tay xử lý các trường hợp chống đối để răn đe. Đồng thời, tăng cường kết nối giao thông công cộng ở tất cả các tuyến đường để người dân thuận lợi khi đến các bến xe và ngược lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý người đi xe máy, đi bộ vào đường cao tốc: Mạnh tay để răn đe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.