Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Giảm điểm “nóng” ùn tắc giao thông

Hà Phạm| 19/04/2019 08:09

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực đưa ra các giải pháp nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn, bước đầu có kết quả khả quan.

“Nóng” về kẹt xe

Nhà ở ngay gần cầu Kênh Xáng (quận 8 nối huyện Bình Chánh), anh Lê Phi Long cho biết, thời tiết thành phố đang đợt cao điểm nắng nóng, mỗi lần đưa đón con đi học qua điểm ùn tắc này đều rất mệt mỏi.

Thực tế, theo ghi nhận tại đoạn đường Dương Bá Trạc qua cầu Kênh Xáng luôn xảy ra tình trạng kẹt xe. Khi người dân lưu thông qua cầu Kênh Xáng từ hướng quận 8 về huyện Bình Chánh và ngược lại trong khung giờ từ 6h30 đến 8h30 sáng và 16h30 đến 18h30 chiều hằng ngày đều phải lưu thông trong tình trạng nhích từng chút một qua điểm kẹt xe...

Khu vực cầu Kênh Xáng (quận 8 nối huyện Bình Chánh) thường xuyên kẹt xe giờ cao điểm.


Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, đến nay trên địa bàn thành phố còn lại 28 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. Trong đó có 14 điểm chuyển biến tốt, 7 điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp và 7 điểm không chuyển biến. Đối với 7 điểm không chuyển biến là các tuyến đường hướng tâm, trục ra vào cảng hàng không, cảng biển, các nút giao cửa ngõ thành phố, gồm có: Đoạn đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1); giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám và đoạn Trường Chinh, từ đường Âu Cơ đến Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Bình); đoạn Xô Viết Nghệ Tĩnh, từ đường Bạch Đằng đến ngã năm Đài liệt sĩ (quận Bình Thạnh); đoạn Dương Bá Trạc qua khu vực cầu Kênh Xáng (quận 8 nối huyện Bình Chánh); khu vực ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân); giao lộ Vĩnh Lộc - Nguyễn Thị Tú - Quách Điêu (huyện Bình Chánh).

Theo PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng, nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng kẹt xe triền miên trên do tốc độ tăng trưởng dân số hằng năm cao, khoảng 3,3%/năm, trong khi việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông chỉ khoảng 2%/năm. Hệ quả, phương tiện xe cơ giới được đăng ký mới luôn ở mức cao, còn hạ tầng giao thông được xây dựng không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân.

Dồn lực giải quyết dứt điểm

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, trong các điểm “nóng” về ùn tắc giao thông trên thì khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải về lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông. Do đó, ngoài việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường hiện hữu như Trường Sơn, Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa, Trần Quốc Hoàn, cơ quan chức năng cần đầu tư xây dựng các nút giao thông khác mức, cầu vượt, đường trên cao nhằm giải tỏa áp lực giao thông. Trong đó, xây dựng một vành đai đường chuyên dụng trên mặt đất kết hợp với đường trên cao khép kín vòng quanh sân bay. Vành đai này được kết nối với các hướng tiếp cận từ các trục đường nối đường Vành đai 2...

Để giải quyết hiệu quả việc kéo giảm các điểm ùn tắc giao thông hiện nay, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC08, Công an thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ngay từ đầu tháng 4, sau khi xác định 7 điểm “nóng” về ùn tắc giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông đã chủ động phối hợp với các lực lượng (như thanh tra giao thông, công an phường, Đoàn thanh niên, thanh niên xung phong, bảo vệ dân phố, thanh niên tình nguyện) đồng loạt triển khai cắm chốt ở các điểm này. Sau hơn 2 tuần ra quân, các điểm “nóng” trên đã có sự chuyển biến tích cực. Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Tham mưu PC08, Công an thành phố cho hay, người dân tham gia giao thông khi đi qua các điểm trên cần lưu ý trong việc tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ, chấp hành theo sự điều tiết, phân luồng của lực lượng chức năng và chủ động thay đổi lộ trình thích hợp khi có thông tin xảy ra ùn ứ giao thông tại khu vực.

Trao đổi về giải pháp tổng thể tạo thông thoáng cho các tuyến đường hướng tâm, trục ra vào cảng hàng không, cảng biển, các nút giao cửa ngõ thời gian tới, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện Sở đang tham mưu cơ chế cho thành phố, huy động nguồn vốn để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt là các dự án khép kín Vành đai 2, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, để sớm triển khai hoàn thành và đưa vào khai thác. Bên cạnh đó là đề xuất các giải pháp hạn chế sử dụng lòng đường làm chỗ đỗ xe, nhất là tại các điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Trong 7 điểm ùn tắc trên, từ nay đến cuối năm 2019, thành phố phấn đấu khởi công các dự án như: Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh; nâng cấp mở rộng mặt đường Hoàng Hoa Thám; mở rộng đường Cộng Hòa (quanh sân bay Tân Sơn Nhất); khởi công dự án cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2) - nút giao Đài liệt sĩ... Đồng thời, Sở kiến nghị thành phố tập trung ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông đô thị; chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng công trình giao thông nhằm thực hiện các dự án đúng tiến độ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Giảm điểm “nóng” ùn tắc giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.