Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thiện giao thông, tăng cường kết nối

Nguyễn Lê| 03/05/2019 08:15

(HNM) - Để xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Hồ Chí Minh xác định giữ vai trò động lực, trung tâm để các địa phương trong vùng cùng phát triển thông qua kết nối giao thông.

Quá tải các tuyến đường huyết mạch

Anh Phạm Văn Tuân (ở phường 13, quận 4) cho biết, anh là tài xế cho một chuyên gia người Nhật Bản làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Vị chuyên gia này lại ở thành phố Hồ Chí Minh nên anh Tuân phải đưa đón bằng ô tô mỗi ngày. "Trước đây tôi không có lựa chọn nào khác nên phải đi Xa lộ Hà Nội qua cầu Đồng Nai thường xuyên bị kẹt xe. Từ khi đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đưa vào sử dụng tôi chọn đi tuyến đường này, tuy xa hơn nhưng thông thoáng, thời gian di chuyển nhanh", anh Phạm Văn Tuân cho hay.


Có thể thấy, tuyến cao tốc kết nối liên vùng thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã giúp giảm tải đáng kể tuyến Xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1A nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Từ khi tuyến cao tốc này đưa vào khai thác, gần như không còn tình trạng kẹt xe kéo dài trên cầu Đồng Nai như trước. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay xuất hiện tình trạng ùn tắc cục bộ, khiến nhiều người ví von cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã không còn "cao tốc".

Đó là cửa ngõ ở phía Đông thành phố, còn tại cửa ngõ phía Tây, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương (tuyến cao tốc huyết mạch nối thành phố với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long) bị ùn tắc thường xuyên hơn. Theo anh Nguyễn Thành Tâm (ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân), hằng ngày anh phải chở hàng thuê từ thành phố Hồ Chí Minh đi thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Cả hai tuyến đường là quốc lộ 1A và cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương đều kẹt xe vào giờ cao điểm, thậm chí thấp điểm.

Ông Nguyễn Văn Thành (Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị quản lý đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương) cho biết, lưu lượng xe qua tuyến cao tốc này liên tục gia tăng, hiện đã cao hơn 20-25% so với thời gian trước. Còn tại đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, theo Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 75.000 lượt ô tô đi qua cao tốc, trong khi theo thiết kế chỉ có 59.000 lượt ô tô/ngày.

Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hệ thống giao thông liên kết vùng chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Tại thành phố Hồ Chí Minh, tính đến nay, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị chỉ đạt 8,85% (theo quy hoạch là 22,3%). Tổng chiều dài các tuyến đường khoảng 4.262km, đạt mật độ 2,03km/km2 (theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam phải đạt 10-13,3km/km2).

Tạo “mắt xích” liên kết


Theo ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng phát triển đô thị nói chung và giao thông đô thị nói riêng của thành phố Hồ Chí Minh cần xem xét trong tương quan với các tỉnh, thành phố lân cận. Đồng tình với nhận định trên, ông Michel Fanni, Giám đốc Phát triển và cải tiến đô thị mới Marne la Vallee (Pháp) cho rằng, muốn thực hiện quy hoạch đô thị hiệu quả, trước tiên thành phố Hồ Chí Minh cần tạo “mắt xích” liên kết với các tỉnh trong vùng.

Mới đây, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc với Sở Giao thông - Vận tải các tỉnh trong vùng để bàn về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông - vận tải liên vùng phía Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Qua đó, các bên đã thống nhất kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 5 tuyến đường liên vùng với chiều dài gần 240km, tổng vốn đầu tư hơn 32.200 tỷ đồng; đồng thời, kéo dài 10 trục đường đã quy hoạch với tổng chiều dài gần 730km, tổng vốn đầu tư khoảng 63.000 tỷ đồng.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với vai trò là động lực của vùng, thành phố phải "kéo" 7 tỉnh còn lại (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang) cùng phát triển. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, về quy hoạch tổng thể thành phố, phải gắn với liên kết vùng, phải có cơ chế phối hợp vùng để giúp các địa phương phát triển nhanh hơn. Về địa giới hành chính, phải cơ cấu lại quận, huyện của thành phố để bảo đảm vận hành đô thị lớn hợp lý hơn.

Giữa tháng 4-2019, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cũng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, hai bên đã thống nhất xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2 (thành phố Hồ Chí Minh) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, cầu Cát Lái kết hợp đường 25C sẽ hình thành tuyến kết nối thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành, chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông đang quá tải trên tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Đặc biệt, hiện tuyến Vành đai 3, đi qua thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được khẩn trương xây dựng. Đây là những tuyến giao thông mang tính “đòn bẩy” đối với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện giao thông, tăng cường kết nối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.