Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn: Nghiêm minh và nhân văn

Tiến Thành| 22/05/2019 08:03

(HNM) - Thời gian qua, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do lái xe sử dụng rượu, bia liên tiếp xảy ra gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.

Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra nồng độ cồn trên đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy). Ảnh: Gia Chính


Hợp lý, hợp tình

Sau hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông xảy ra tại đường Láng (quận Đống Đa) và hầm đường bộ Kim Liên (quận Hai Bà Trưng) khiến 3 người tử vong vào cuối tháng 4, từ đầu tháng 5 vừa qua, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã triển khai các kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn.

Không chỉ thực hiện nghiêm việc xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, nhiều cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông Hà Nội còn hỗ trợ người dân để bảo đảm an toàn, tạo ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân và cả người vi phạm.

Theo chân tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông) xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn tại đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) chiều 20-5, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận, trong hơn một giờ, tổ công tác đã kiểm tra nồng độ cồn và xử lý 10 trường hợp vi phạm. Bị cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra, anh Nguyễn Văn Cương (35 tuổi, trú ở phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm) thừa nhận, buổi trưa có uống vài cốc bia ở nhà trước khi đưa con đi học. Không để cháu bé muộn giờ học, Trung úy Chu Văn Thắng, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 6 đã đưa cháu bé đến trường cách đó khoảng 2km, còn anh Cương ở lại để tổ công tác lập biên bản xử lý vi phạm.

“Tuy bị phạt nhưng tôi thấy hài lòng trước cách ứng xử hợp tình, hợp lý của các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông, vì vừa giúp tôi nhận ra sai sót của mình mà cũng không để con tôi bị muộn giờ học. Tôi tự hứa sẽ không bao giờ tái phạm”, anh Cương chia sẻ.

Trước đó, ngày 17-5 tại phố Hàng Đậu (quận Ba Đình), tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông) phát hiện một cụ ông 80 tuổi điều khiển xe máy có biểu hiện đã sử dụng rượu, bia. Kiểm tra nồng độ cồn vượt quá giới hạn cho phép, ông cũng thừa nhận đã uống bia. Sau một hồi thuyết phục ông gọi người nhà đến đón nhưng không thành. Để bảo đảm an toàn, tổ công tác đã phân công người trực tiếp đưa ông về nhà (tại quận Đống Đa). Theo Thiếu tá Đinh Ngọc Đạo, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1, không chỉ riêng trường hợp nêu trên, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã thông báo cho người thân đến đón và trực tiếp đưa nhiều trường hợp say rượu, bia bị xử lý vi phạm cùng phương tiện về nhà an toàn.

Theo Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông), lực lượng cảnh sát giao thông hết sức khách quan, minh bạch trong các tình huống để vừa xử lý nghiêm minh, vừa bảo đảm hợp tình, hợp lý.

Xử lý triệt để vi phạm

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, lực lượng cảnh sát giao thông đã gặp không ít khó khăn. Đại úy Bùi Ngọc Quyết, công tác tại Đội Cảnh sát giao thông số 6 cho biết, khi phát hiện các tổ công tác thực hiện xử lý vi phạm, nhiều nhà hàng, quán ăn đã báo cho khách hàng tìm biện pháp đối phó, thậm chí đi ngược chiều để tránh chốt kiểm tra.

Không chỉ vậy, một số trường hợp vi phạm do sử dụng quá nhiều rượu, bia còn mất tự chủ, không hợp tác, thậm chí lăng mạ, chống đối lực lượng chức năng. Điển hình như vào ngày 9-5 vừa qua, đối tượng Phạm Văn Sơn (sinh năm 1982, quê ở tỉnh Nghệ An) đã lăng mạ, hành hung tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông) tại ngã ba Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai) để giải cứu cho bạn là Nguyễn Bá Ngọc (sinh năm 1985) vi phạm nồng độ cồn ở mức 1,600 miligam/1 lít khí thở.

Trung tá Lê Văn Tiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông) cho biết, đơn vị đã lường trước những tình huống nguy hiểm để đề ra phương án xử lý với từng trường hợp cụ thể như người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, cố tình chống đối, bỏ chạy... Qua đó, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông gây mất an toàn cho người dân.

Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông cho biết, sau hơn 10 ngày triển khai xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý gần 500 trường hợp vi phạm, tăng gần gấp đôi so với 10 ngày liền kề trước đó. Đặt công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn là nhiệm vụ xuyên suốt năm 2019, thời gian tới, Phòng Cảnh sát giao thông tiếp tục duy trì các tổ công tác xử lý vi phạm. Trong đó, sẽ tổ chức lập chốt tại các khu vực có nhiều nhà hàng, quán ăn; tăng cường tuần tra lưu động phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã và Trung đoàn Cảnh sát cơ động…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn: Nghiêm minh và nhân văn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.