Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 21% nhu cầu

Nhóm phóng viên| 09/07/2019 13:58

(HNMO) - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Vũ Văn Viện cho biết, đến hết năm 2019, dự kiến hệ thống xe buýt tại Hà Nội đáp ứng khoảng 17,3% và vào năm 2020 tỷ lệ này đạt khoảng 20% đến 21%.

Sáng 9-7, tại kỳ họp thứ chín, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV, sau nhóm vấn đề tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố, phiên chất vấn và trả lời chất vấn chuyển sang nội dung liên quan đến Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố".

Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Vũ Văn Viện trả lời chất vấn.

Hà Nội còn 27 điểm ùn tắc giao thông

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố, lo lắng khi chỉ tiêu đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đáp ứng 20% đến 25% nhưng đến nay mới đáp ứng được 15,7%, dự kiến cuối năm 2019 là 17,3%. Vì vậy, đại biểu này chất vấn Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) về giải pháp chủ yếu để hoàn thành chỉ tiêu trên, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở GT-VT Vũ Văn Viện cho hay, tình trạng ùn tắc giao thông cơ bản được giải quyết, năm 2018, trên địa bàn thành phố còn 33 điểm ùn tắc, đến tháng 7-2019 giảm còn 27 điểm ùn tắc giao thông. Vận tải công cộng được nâng cao về chất lượng dịch vụ; mạng lưới xe buýt được mở rộng, đáp ứng 15,7% nhu cầu đi lại của người dân. Đến hết năm 2019, dự kiến hệ thống xe buýt đáp ứng khoảng 17,3% và vào năm 2020 tỷ lệ này đạt khoảng 20% đến 21%. 

Tuy nhiên, Giám đốc Sở GT-VT cũng thừa nhận, một số nhiệm vụ triển khai còn chậm. Việc triển khai các dự án giao thông đường bộ do phải thỏa thuận với nhiều bộ, ngành, tác động tới nhiều người dân, các nhóm lợi ích nên còn chậm; phương tiện cá nhân vẫn tăng nhanh, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp. 

Để khắc phục tình trạng này, Sở GT-VT đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Triển khai sớm các tuyến đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng; hoàn thiện, xây dựng nâng cao chất lượng vận tải công cộng bằng xe buýt để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu hành khách công cộng đến năm 2020 trên 20%; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý trật tự giao thông; tuyên truyền, vận động để người dân tăng cường sử dụng phương tiện công cộng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra...

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ Đông Anh) chất vấn Giám đốc Sở Tài chính về nguyên nhân, trách nhiệm của Sở trong việc tham mưu với thành phố và hướng giải quyết khi đến nay chưa hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, ban hành cơ chế chính sách tiếp tục trợ giá với vận tải hành khách công cộng?

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, đến năm 2019, thành phố Hà Nội có 100 tuyến vận tải hành khách công cộng có trợ giá. Trong giai đoạn 2013-2018, thành phố trợ giá 7 nghìn tỷ đồng với 2.600 triệu lượt hành khách, bình quân mỗi năm khoảng 1.100 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố còn có chính sách hỗ trợ 100% tiền thuê đất cho điểm đỗ xe Nguyễn Công Hoan, Trần Nhật Duật trong tối đa 10 năm. Cơ chế chính sách trợ giá của thành phố đã được triển khai đầy đủ, theo đúng chủ trương nhưng một số nội dung vẫn cần phải rà soát, đánh giá. Thành phố đã chấp thuận Sở GT-VT thuê đơn vị tư vấn để đánh giá về cơ chế hỗ trợ lãi suất và xác định đơn giá triển khai đấu thầu.

Xây dựng lộ trình hạn chế xe máy phải xác định và nghiên cứu rất kỹ

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng.

Trả lời chất vấn đại biểu ở nhóm nội dung thứ hai, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết, UBND thành phố xác định, việc thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố" là nhiệm vụ trọng tâm. Lĩnh vực này nếu không làm tốt sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cuộc sống người dân. Quá trình thực hiện Đề án được lồng ghép, thực hiện đồng bộ với các chương trình, nhiệm vụ khác của thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh các nhiệm vụ mà UBND thành phố, các ngành, các cấp đã tập trung thực hiện thời gian qua, như phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, triển khai quy hoạch giao thông gắn với quy hoạch về điểm đỗ, bãi đỗ xe ngầm, quy hoạch vận tải công cộng; tập trung giải quyết các “điểm đen” giao thông...

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng, một tín hiệu đáng mừng là sau 2 năm, thành phố đã giảm được 14 “điểm đen”, hiện chỉ còn 27/41 điểm cần xử lý. Thành phố cũng đã tăng tỷ lệ đất giao thông đô thị lên xấp xỉ 10%; mở rộng mạng lưới xe buýt bao phủ hết các quận, huyện và liên vùng; tăng cường đầu tư đổi mới phương tiện vận tải theo hướng tiếp cận phương tiện thân thiện môi trường, có công nghệ cao; nâng cao chất lượng phục vụ giao thông công cộng; tăng cường quản lý bến bãi, xe hợp đồng; nâng tỷ lệ người sử dụng phương tiện công cộng…

Ngoài ra, thành phố tiếp tục xây dựng đề án giao thông thông minh, bản đồ giao thông trực tuyến, trang bị thiết bị đầu cuối giám sát hành trình phương tiện.

“Việc xây dựng lộ trình hạn chế xe máy phải xác định và nghiên cứu kỹ để phù hợp với điều kiện hạ tầng, năng lực vận tải công cộng và yêu cầu của người dân ở từng khu vực”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng cho biết.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng cũng nhìn nhận, ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường đang là thách thức với thành phố và diễn biến khá phức tạp. Mỗi năm, lượng người về Thủ đô sinh sống lại tăng thêm, kèm theo phương tiện gây sức ép lớn cho hạ tầng giao thông của thành phố. 

"Các biện pháp giảm phương tiện cá nhân, dù còn có nhiều vấn đề cần được tiếp tục hoàn chỉnh, vì là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến hoạt động của người dân và các lĩnh vực khác, nhưng vẫn phải tiếp tục làm", Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng khẳng định.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc kết luận nhóm nội dung chất vấn thứ hai.

Kết luận nội dung chất vấn và trả lời chất vấn ở nhóm vấn đề thứ hai, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố" là một đề án có ý nghĩa quan trọng với thành phố. Trong 45 nhiệm vụ, giải pháp của đề án thì 11 nhiệm vụ, giải pháp cần phải có sự thống nhất, vận động tuyên truyền để người dân tham gia giao thông hưởng ứng, trong đó có quản lý phương tiện giao thông cá nhân.

Do đó, phiên chất vấn là dịp để các ngành kiểm điểm công việc đã thực hiện, báo cáo với cử tri quá trình thực hiện và cũng để cử tri thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào đề án. 

“Sau 2 năm thực hiện Đề án, UBND thành phố đã làm được nhiều việc và đến nay đạt 6 kết quả lớn, thể hiện sự quyết tâm của thành phố, nhất là giảm “điểm đen” ùn tắc giao thông; giảm tai nạn giao thông; phủ mạng lưới giao thông công cộng đến 30 quận, huyện, thị xã…”, Chủ tịch HĐND thành phố đánh giá.

Lưu ý 16/37 nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành đến hết năm 2020, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND thành phố rà soát lại, phân công nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành đúng tiến độ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 21% nhu cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.