Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý xe 3 bánh tự chế trên địa bàn Hà Nội: Đồng bộ nhiều giải pháp

Tuấn Lương| 02/08/2019 07:19

(HNM) - Tăng cường kiểm tra, xử lý ngoài hiện trường, kiên quyết thu giữ các phương tiện vi phạm. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng chính sách có nguyện vọng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng và thu hút nhiều lao động là thương - bệnh binh và con em của thương - bệnh binh vào làm việc...

Đó là chia sẻ của ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội với phóng viên Báo Hànộimới về giải pháp quản lý xe 3 bánh tự chế trên địa bàn Thủ đô mà Sở này vừa kiến nghị UBND thành phố Hà Nội.

Lực lượng chức năng tăng cường xử lý xe 3 bánh tự chế không bảo đảm an toàn trên các tuyến phố.

- Ông có thể cho biết, hiện Hà Nội có bao nhiêu xe 3 bánh tự chế hoạt động trên địa bàn?

- Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải và liên ngành, trên địa bàn thành phố tổng cộng có 1.316 người là thương - bệnh binh và người khuyết tật sử dụng xe 3 bánh tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa (trong đó, có 964 thương binh, 103 bệnh binh và 249 người khuyết tật). Về độ tuổi, số lượng thương binh trên 60 tuổi chiếm 63%; độ tuổi từ 50 đến 59 chiếm 32,67%; độ tuổi dưới 50 có 6 người (chiếm 0,69%). Với bệnh binh, độ tuổi trên 60 chiếm gần 70%; độ tuổi từ 50 đến 59 chiếm 30%; độ tuổi dưới 50 chỉ có 1 người (chiếm 1,07%)...

Tuy nhiên, qua rà soát của cơ quan công an, toàn thành phố có khoảng 4.800 phương tiện xe 3 bánh tự sản xuất, lắp ráp đang hoạt động. Ngoài số lượng xe của thương - bệnh binh và người khuyết tật như thống kê kể trên, còn có khoảng 3.800 xe của các đối tượng khác.

- Số lượng xe 3 bánh đang hoạt động ngoài hiện trường lớn hơn nhiều so với lượng xe mà các thương - bệnh binh và người khuyết tật có đăng ký hộ khẩu trên địa bàn Thủ đô. Vậy, giải pháp để quản lý vấn đề này như thế nào thưa ông?

- Thời gian qua, rất nhiều trường hợp xe 3 bánh chở hàng cồng kềnh, gây mất trật tự an toàn giao thông và ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Thậm chí, đã từng xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến loại phương tiện này. Lãnh đạo thành phố đã nhiều lần chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác ngăn chặn, xử lý xe thô sơ, xe mô tô, xe cơ giới 3 bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh trên các tuyến phố.

Tính từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã xử lý 106 trường hợp xe 3 bánh tự sản xuất, lắp ráp vi phạm, tạm giữ 105 phương tiện. Trên cơ sở kiểm tra thực tế, xử lý hiện trường cho thấy, phần lớn thương - bệnh binh có độ tuổi từ 60 trở lên trực tiếp điều khiển xe 3 bánh kinh doanh vận tải không nhiều, mà tập trung ở các đối tượng giả danh thương binh chở hàng cồng kềnh, quá khổ, gây mất an toàn giao thông. 

Ngoài ra, cũng phải kể đến một số thương - bệnh binh có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh lân cận Hà Nội cũng hoạt động chở hàng hóa tại Thủ đô. Trước tình hình đó, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội kiến nghị các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm đối với xe thô sơ, xe 3 bánh giả danh thương binh, cũng như các xe tự chế, chở hàng hóa cồng kềnh. Kiên quyết thu giữ các xe sản xuất, lắp ráp trái quy định vẫn tham gia giao thông; kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở sản xuất, tự chế xe 3-4 bánh trái quy định.

Đồng thời, xây dựng quy chế trách nhiệm của lực lượng Công an, Thanh tra Giao thông - Vận tải, chính quyền địa phương khi để tồn tại, tái diễn tình trạng xe 3 bánh giả danh xe thương binh hoạt động vận chuyển hàng hóa gây mất trật tự, an toàn giao thông cũng như tồn tại các cơ sở sản xuất, tự chế xe 3 bánh trái quy định trên địa bàn quản lý.

- Việc quản lý các loại phương tiện là cần thiết, song thành phố đã có phương án gì để hỗ trợ việc đi lại, sinh kế của các đối tượng chính sách này, thưa ông?

- Vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với một số sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến các thương - bệnh binh và người khuyết tật về chủ trương quản lý, hạn chế xe 3 bánh. Rất nhiều hoàn cảnh khó khăn và cũng rất nhiều tâm tư, nguyện vọng. Có trường hợp mong muốn được giữ lại phương tiện, có trường hợp mong thành phố hỗ trợ kinh phí mua sắm loại phương tiện khác phù hợp để bảo đảm an toàn giao thông. Nhiều trường hợp thương - bệnh binh, người khuyết tật mong muốn được thành phố hỗ trợ giới thiệu việc làm mới... 

Để vừa bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vừa tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chính sách, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đề nghị tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để các đối tượng chính sách có nguyện vọng được tiếp cận vay vốn từ nguồn vốn thành phố ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội; UBND các quận, huyện, thị xã nghiên cứu chính sách ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đóng trên địa bàn sử dụng và thu hút nhiều lao động là thương - bệnh binh, con em của thương - bệnh binh vào làm việc tạo nguồn thu nhập bảo đảm cuộc sống.

Với các doanh nghiệp thương binh có nhu cầu thuê đất để sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, tạo điều kiện không tiếp tục sử dụng xe 3 bánh, đề nghị Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất địa điểm tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, có chính sách ưu đãi, giảm tiền thuê đất.

Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn, các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy, xe 3 bánh dùng để kinh doanh vận chuyển người và hàng hóa...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý xe 3 bánh tự chế trên địa bàn Hà Nội: Đồng bộ nhiều giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.