Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ khó để phát triển buýt đường sông

Hà Tuấn| 02/12/2019 11:25

(HNM) - Hiện nay thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ có một tuyến buýt sông hoạt động, kết nối rời rạc với các loại hình vận tải hành khách khác. Từ hạn chế này, thành phố đưa ra nhiều giải pháp tháo “nút thắt” để phát triển buýt đường sông...

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, những ngày cuối tuần, tại bến Bạch Đằng, quận 1 (bến chính của tuyến buýt sông số 1 đi quận Thủ Đức), hành khách khá đông với đối tượng chủ yếu là hộ gia đình và du khách nước ngoài đi thưởng ngoạn vẻ đẹp của sông Sài Gòn. Còn vào những ngày thường, trên các trạm dừng chân đều vắng khách. 

Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh) Hà Thanh Sơn cho biết, vận chuyển hành khách trên buýt sông (tuyến số 1) đạt 291.000 lượt hành khách/năm, chỉ chiếm chưa tới 1% so với sản lượng vận tải hành khách đường thủy. Nguyên nhân bởi mới khai thác tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng, quận 1 đi Linh Đông, quận Thủ Đức), với chiều dài gần 11km. Mặt khác, nhà đầu tư mới hoàn thành 5/9 bến kết nối trên tuyến gồm: Bến Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh và Linh Đông. 

Theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (nhà đầu tư), trung bình mỗi ngày có khoảng 880 lượt hành khách, mỗi ngày có 22 lượt chạy tàu, mỗi lượt chạy tàu bình quân có 40 khách. Riêng ngày cuối tuần, hành khách đạt khoảng 95% công suất khai thác. Số lượng hành khách hiện quá ít so với năng lực chuyên chở cũng như tiềm năng của mạng lưới buýt đường sông.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang tiến hành triển khai hoạt động tuyến buýt sông số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm, quận 8), chiều dài hơn 10km. Tuy nhiên, tuyến buýt này đang bị tắc do vướng 2 dự án hạ tầng khác đang thi công nên tuyến buýt sông số 2 chỉ có thể đưa vào vận hành khai thác sau năm 2020.

Hiện nay, nhu cầu đi lại trên tuyến buýt đường sông chủ yếu là du khách, còn người dân vẫn chưa mặn mà, khiến mục tiêu mở tuyến chưa đạt như mong muốn. Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở Giao thông - Vận tải) Hà Thanh Sơn cho biết, tới đây, ngoài việc kết hợp điều chỉnh lộ trình của một số tuyến xe buýt đường bộ để kết nối, trung chuyển khách đến các bến buýt đường sông, ngành Giao thông - Vận tải thành phố sẽ tính đến việc xây dựng bãi trông giữ xe ô tô, xe máy cho hành khách khi tham gia tuyến buýt sông. 

Theo kế hoạch, thời gian tới, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương liên quan để hoàn thành thủ tục giao thuê đất đầu tư xây dựng các bến trên tuyến buýt đường sông; tăng thêm các dịch vụ hỗ trợ hành khách trên bờ; triển khai nhanh tiến độ để xây dựng và đưa vào khai thác bến trung tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó để phát triển buýt đường sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.