Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn giao thông dịp cuối năm: Huy động nhiều lực lượng

Nhóm phóng viên| 15/12/2019 06:41

(HNM) - Thời điểm cuối năm 2019, nhiều tuyến đường, phố của Thủ đô Hà Nội đã gia tăng tình trạng ùn tắc, vi phạm giao thông. Do đó, ngay từ thời điểm này, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, huy động nhiều lực lượng, có phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và các lễ hội đầu xuân năm 2020.

Hoạt động của Trung tâm Điều khiển giao thông thành phố Hà Nội giúp lực lượng chức năng chủ động cảnh báo, điều tiết từ xa, hạn chế thấp nhất nguy cơ ùn tắc giao thông. Ảnh: Thái Hiền

Nhiều nguyên nhân cố hữu

Từ đầu tháng 12-2019 đến nay, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại một số tuyến đường hướng vào nội đô, đường vành đai, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra phổ biến, nhất là vào các khung giờ cao điểm. Điển hình phải kể đến các tuyến đường Lê Trọng Tấn kéo dài, Trần Phú, Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Cừ… Tại các điểm giao cắt trên những tuyến đường này, người điều khiển phương tiện thường phải đi rất chậm, thậm chí có lúc phải dừng lại vì mật độ phương tiện quá đông.

Thường xuyên đi lại trên tuyến Trần Phú - Nguyễn Trãi, anh Đoàn Văn Tuyên (trú ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) cho biết, trục đường này chưa được kẻ vạch phân làn phương tiện đầy đủ, lại đang sửa chữa nên tình trạng ùn tắc cục bộ xảy ra thường xuyên. “Từ nhà ra trung tâm thành phố chỉ khoảng 14km, nhưng nhiều khi đi xe máy phải mất tối thiểu 1 giờ”, anh Tuyên dẫn chứng.

Đường Trường Chinh (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng) vốn là “điểm nóng” về ùn tắc giao thông. Khi dự án xây dựng đường Vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy) được triển khai, giao thông tại khu vực này càng phức tạp. Trung tá Phạm Đức Dũng, Trưởng Công an phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) lý giải, do đường Trường Chinh đang thi công nên người dân thường đi tránh vào các phố Vương Thừa Vũ, Nguyễn Ngọc Nại, Hoàng Văn Thái, dẫn đến tình trạng ùn tắc trên địa bàn phường... Ngoài ra, các công trình xây dựng, sửa chữa đường cũng đang là nguyên nhân gây ùn tắc tại nhiều điểm khác, như tại đường Phạm Văn Đồng (đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long), nút giao thông phố Đào Tấn - Nguyễn Văn Ngọc (quận Ba Đình)...

Bên cạnh nguyên nhân khách quan trên, không thể không nhắc đến nguyên nhân chủ quan là ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, vi phạm trật tự giao thông còn xảy ra nhiều. Tại tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, từ lâu ùn tắc giao thông được coi như một “đặc sản”. Tại đây, tình trạng người dân di chuyển ngược chiều (đoạn từ phố Vũ Trọng Khánh đến đường Trung Văn) vẫn diễn ra.

Anh Nguyễn Văn Hoàn (ở phường La Khê, quận Hà Đông) cho biết, ngày nào anh cũng phải đi làm từ rất sớm vì tuyến đường Lê Văn Lương thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm. “Xe máy đi trên vỉa hè, lấn làn của xe buýt nhanh, xe ô tô dàn hàng ngang lấn làn của xe máy, tạo nên khung cảnh hỗn loạn trong giờ cao điểm”, anh Hoàn nói.

Còn tại khu vực ngã sáu Ô Chợ Dừa (nút giao Khâm Thiên - Tôn Đức Thắng - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa), giao thông luôn trong tình trạng ùn ứ. Nguyên nhân là bởi hệ thống đèn tín hiệu đặt quá gần nhau, giao lộ tại đây lại rộng; trong khi đó, còn không ít người đi đường sẵn sàng vượt đèn đỏ, lấn làn, khiến giao thông trong khu vực thường xuyên xảy ra xung đột.

Chủ động ngăn ngừa

Phương tiện giao thông tăng nhanh, nhiều tuyến đường của Thủ đô Hà Nội thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: Mạnh Hà

Để phòng ngừa, xử lý ùn tắc, vi phạm giao thông trong thời điểm cuối năm, nhiều lực lượng ở địa bàn đã triển khai các phương án phòng ngừa, xử lý ùn tắc phù hợp với tình hình thực tế.

Đại úy Đinh Sỹ Lý, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 3 (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội) cho biết, trước áp lực giao thông tăng cao tại đường Trường Chinh, đơn vị thường xuyên bố trí lực lượng tham gia ứng trực, phân luồng vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với nhà thầu thi công để mở các điểm giao cắt phù hợp, tạo điều kiện cho người dân di chuyển dễ dàng hơn, tránh tình trạng ùn ứ cục bộ.

Trung tá Phùng Văn Tính, Trưởng Công an phường Khâm Thiên (quận Đống Đa) cho biết, vào các giờ cao điểm, lực lượng công an, tự quản, bảo vệ dân phố luôn có mặt tại các “điểm nóng” trên phố Khâm Thiên, như tại các đoạn ngõ Cống Trắng, Văn Chương…, để tổ chức điều tiết giao thông. “Cứ 30m đường lại có một cảnh sát trật tự hoặc thành viên đội tự quản điều tiết giao thông nên tình trạng ùn tắc giảm đáng kể”, Trung tá Phùng Văn Tính chia sẻ.

Trên trục đường Giải Phóng, Bến xe Giáp Bát là khu vực “nóng” về trật tự an toàn giao thông dịp cuối năm. Thiếu tá Trần Văn Nam, Phó Trưởng Công an phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) nhấn mạnh, đơn vị đã tham mưu UBND phường phân công các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với Công an phường, lực lượng bảo vệ dân phố và tự quản tổ chức vận động, tuyên truyền các hộ dân sinh sống, kinh doanh ven đường Giải Phóng, xung quanh Bến xe Giáp Bát không vi phạm hành lang an toàn giao thông.

Nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông phục vụ nhân dân đi lại trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội xuân năm 2020, Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) khẳng định, Công an thành phố đã chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng phương án cảnh báo, hướng dẫn, phân luồng giao thông từ xa, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ ùn tắc trên các tuyến quốc lộ, trục chính, cửa ngõ thành phố. Bên cạnh đó, trong các khung giờ cao điểm, khi tình hình phức tạp, Phòng Cảnh sát giao thông, công an 12 quận và các huyện Thanh Trì, Gia Lâm sẽ huy động tối đa lực lượng làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển, phân luồng giao thông tại các tuyến, nút giao trọng điểm.

Phối hợp với các lực lượng trên, Sở Giao thông - Vận tải cũng sẽ huy động toàn bộ lực lượng Thanh tra giao thông chốt trực bảo đảm giao thông tại 92 vị trí có nguy cơ ùn tắc. Bên cạnh đó, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm tại các điểm trông giữ xe; các “điểm nóng” về lấn chiếm hành lang giao thông và 6 bến xe lớn của Hà Nội. Đối với những hạng mục còn thi công lâu dài, Sở Giao thông - Vận tải yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và phải tạm dừng thi công trước ngày 15-1-2020 để người dân đi lại được thuận tiện…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn giao thông dịp cuối năm: Huy động nhiều lực lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.