Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt

Bài, ảnh: Tuấn Lương| 01/10/2020 20:17

(HNMO) - Thời gian gần đây, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt như: Tổ chức rào chắn tại các đường ngang; từng bước xóa bỏ và thu hẹp các lối đi tự mở, xây dựng gờ giảm tốc; bố trí người trực cảnh giới. Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân còn nhiều lối đi dân sinh tự phát chưa được kịp thời xử lý thì chính sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông đã khiến việc kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt trở nên khó khăn.

Nhiều phương tiện vẫn cố tình vượt qua đường sắt khi nhân viên đang kéo rào chắn.

Tai nạn vẫn diễn biến phức tạp

Chiều 29-9, tại Km19+475 đường Phú Diễn (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm), tàu hàng mang ký hiệu 3606 đã va chạm với xe ô tô mang biển kiểm soát 29B-170.51 chở 48 học sinh tiểu học. Hậu quả của vụ va chạm khiến 6 học sinh ngồi trên xe ô tô bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do lái xe đã thiếu quan sát khi điều khiển ô tô vượt đường ngang.

Trước đó, sáng 6-8, tàu SE5 xuất phát từ ga Hà Nội đi thành phố Hồ Chí Minh đang chạy qua khu gian Giáp Bát - Văn Điển, khi đến vị trí cách đường ngang tại Km6+495 khoảng 60m thì bất ngờ có người đàn ông khoảng 40 tuổi lao vào đường sắt khiến tàu đâm phải, lái tàu phải dừng khẩn cấp. Tuy nhiên, người đàn ông đã bị kẹt dưới gầm tàu, tử vong tại chỗ…

Đó chỉ là 2 trong những vụ tai nạn giao thông mới nhất liên quan đến đường sắt trên địa bàn thành phố. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội, chưa kể vụ tàu hỏa va chạm với xe chở học sinh vào chiều 29-9 nói trên, thống kê từ đầu năm 2020 đến hết ngày 14-9, trên địa bàn thành phố xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 6 người chết, 2 người bị thương. Trong năm 2019, thành phố xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 15 người và bị thương 1 người.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình hình tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn Thủ đô dù đã giảm so với các năm trước đó song vẫn còn diễn biến phức tạp.

Lối đi tự mở qua đường sắt vào làng Tứ Kỳ, quận Hoàng Mai.

Rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, trên địa bàn thành phố, đặc biệt là trên tuyến quốc lộ 1A dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa phận các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên vẫn đang tồn tại khá nhiều lối đi tự mở trái phép.

Điển hình như tại khu phố Ga (huyện Thường Tín), dọc tuyến đường sắt dài hàng trăm mét nhưng tại một số điểm không có rào chắn. Không ít nhà dân nằm sát đường ray đã tự ý lấn chiếm diện tích ven đường tàu làm điểm rửa ô tô, xe máy; dừng đỗ phương tiện để trao đổi hàng hóa...

Tại thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì), đoạn dọc hành lang tuyến đường sắt Bắc - Nam từ Km8+190 đến Km8+560 từ lâu cũng đã xuất hiện hàng chục lối đi dân sinh tự mở, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Đại diện Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải cho biết, đơn vị đã nhiều lần tổ chức rào nhằm thu hẹp lối đi để hạn chế tai nạn, nhưng sau đó lại bị người dân tháo dỡ. Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm.

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có 6 tuyến đường sắt đi qua với tổng chiều dài hơn 162km; có 545 vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, trong đó 182 vị trí đường ngang hợp pháp và 363 lối đi tự mở. Thời gian qua, thành phố đã tích cực phối hợp với ngành Đường sắt tổ chức rào chắn, xóa bỏ lối đi tự mở và xây gờ giảm tốc tại gần 250 vị trí.

Tuy nhiên, vẫn còn 252 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, 883 vị trí vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt chưa được xử lý. Do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên các lối đi tự mở chưa được xóa bỏ theo lộ trình; việc xây dựng đường gom nhằm giảm tai nạn còn chậm…

Để hạn chế tai nạn giao thông, thành phố sẽ triển khai lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động tại một số đường ngang; rà soát các vị trí đường ngang mất an toàn để bố trí người trực cảnh giới; cải tạo mặt đường tạo êm thuận ở các lối giao cắt và xây dựng gờ giảm tốc; đóng, thu hẹp các lối đi tự mở có bề rộng nhỏ hơn 3m để hạn chế giao thông…

Về lâu dài, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm; phối hợp với ngành Đường sắt nâng cấp các đường ngang; tổ chức cắm mốc giới hành lang an toàn giao thông đường sắt; phối hợp thực hiện việc kết nối tín hiệu giao thông đường bộ với đường sắt tại các điểm giao cắt…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã yêu cầu các địa bàn nơi có đường sắt đi qua rà soát diện tích đất trong hành lang an toàn giao thông đường sắt đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân và có biện pháp thu hồi; chấn chỉnh việc giao, cho thuê đất và sử dụng đất đai vi phạm quy định bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt; có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khó kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.