Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thảm họa “nhân tạo”

Minh Hiếu| 10/02/2019 07:47

(HNM) - Ít nhất 150 người đã thiệt mạng, 194 người mất tích và hàng chục người khác bị thương sau sự cố vỡ đập hồ chứa chất thải Laranjeiras hôm 25-1 tại mỏ quặng sắt Brucutu ở Đông Nam Brazil.

Nhà cửa bị phá hủy sau vụ vỡ đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt ở Brumadinho, bang Minas Gerias, Brazil, ngày 27-1-2019. Ảnh: THX/ TTXVN


Đập Laranjeiras thuộc quyền vận hành của Tập đoàn khai thác khoáng sản Vale SA. Các nạn nhân thiệt mạng và mất tích đều là công nhân của khu mỏ, bị vùi lấp dưới lớp bùn chất thải khoáng sản khi đập hồ chứa bị vỡ. Dù Vale SA khẳng định công trình được xây dựng đúng tiêu chuẩn, nhưng tòa án vẫn ra lệnh đình chỉ hoạt động của mỏ khai thác quặng sắt này, đồng thời Bộ Môi trường và Phát triển bền vững Brazil cũng đã hủy giấy phép hoạt động của đập Laranjeiras.

Trong khi đó, Bộ Tư pháp Brazil đã phong tỏa 3 tỷ USD trong các tài khoản ngân hàng của tập đoàn khai thác mỏ lớn thứ ba thế giới để phục vụ công tác bồi thường cho các nạn nhân. Cơ quan Bảo vệ môi trường Ibama của Brazil cũng đã phạt Vale SA 66 triệu USD sau thảm họa.

Dù quá trình khắc phục hậu quả do vụ vỡ đập đang được khẩn trương tiến hành, song giới chức địa phương lo ngại bùn than chứa nhiều quặng khoáng sản sẽ làm ô nhiễm sông Sao Francisco - con sông lớn thứ hai Brazil - đồng thời gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân nhiều thị trấn dọc hai bờ sông.

Hoạt động kiểm tra hằng ngày của Cơ quan cấp nước quốc gia Brazil (ANA) tại vùng phụ lưu Paraopeba cho thấy nồng độ một số kim loại như sắt, nhôm và magie trong nước đã vượt mức khuyến cáo. Tình trạng cá chết nổi trên mặt nước cũng xuất hiện, gây lo ngại đối với người dân địa phương bởi đây là nơi cung cấp nguồn thủy sản và nguồn nước tưới tiêu chủ yếu của khu vực.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả kiểm nghiệm và đánh giá sơ bộ về chất lượng nước, còn những ảnh hưởng và mức độ lan tỏa của chất thải bị rò rỉ đối với môi trường đất, không khí, chuỗi thực phẩm và hệ sinh thái là những chỉ số không thể đong đếm chính xác.

Các nhà khoa học nhận định, việc đưa ra biện pháp tức thời sẽ rất tốn kém nhưng lại là giải pháp cần thiết và cấp bách để kiểm soát tình trạng ô nhiễm trước khi các chất thải nguy hiểm lan xa theo các đợt mưa lũ.

Bài học về những thảm họa được đánh giá là “nhân tạo” này vẫn còn đó, khi sự cố 3 năm trước tại khu đập cũng thuộc sở hữu của Tập đoàn Vale SA gần thị trấn Mariana vẫn được coi là thảm họa môi trường tồi tệ nhất ở quốc gia Nam Mỹ này.

Vụ vỡ đập hôm 25-1 và thảm họa 3 năm về trước đều được cho là hậu quả của việc tận dụng những hố khổng lồ sau quá trình khai thác quặng để chứa chất thải. Đây là cách tiết kiệm chi phí sản xuất song lại gây ra những nguy cơ khó lường. Chính phủ Brazil đã cam kết tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về vụ việc, trong khi Tổng thống Jair Bolsonaro khẳng định sẽ cung cấp mọi nguồn lực cần thiết để khắc phục hậu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảm họa “nhân tạo”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.