Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2020 tăng 3,39%

Hương Thủy| 07/07/2020 09:47

(HNMO) - Triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả chương trình, kế hoạch cải cách hành chính trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; điều hành ngân sách chặt chẽ, linh hoạt, bám sát theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế… là những giải pháp then chốt mà ngành Tài chính cũng như UBND thành phố Hà Nội xác định để hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2020 ở mức cao nhất.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2020 do Bộ Tài chính tổ chức sáng 7-7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, từ tháng 5, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của thành phố đều tăng cao so với tháng trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 3,39%, mức khá cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước. Nếu bao gồm cả số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn, thu ngân sách trên địa bàn là 143.478 tỷ đồng, đạt 51,4% dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Chi ngân sách địa phương là 31.882 tỷ đồng, đạt 30,9% dự toán.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại hội nghị.

Thành phố đã rà soát, cắt giảm chi thường xuyên đợt 1 là 2.900 tỷ đồng. Cùng với đó, thành phố kịp thời chỉ đạo rà soát, giãn, hoãn hơn 17.100 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trên địa bàn, chiếm khoảng 45% của cả nước. Việc chi trả cho các đối tượng người có công, người nghèo, cận nghèo đạt 99,9%; thực hiện cho hơn 17.000 lao động mất việc làm, tạm hoãn, nghỉ việc không lương do ảnh hưởng của dịch. Thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, thu hút số dự án, số vốn tăng tương ứng gấp 5 và 11 lần so với hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016. 

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, để hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2020 ở mức cao nhất, trong những tháng cuối năm 2020, thành phố tiếp tục thực hiện một số nhóm giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả chương trình, kế hoạch cải cách hành chính trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hoàn thành 100% doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử; mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế, tiếp tục đôn đốc thu hồi nợ đọng ngân sách; khai thác các nguồn thu có khả năng để bù đắp số giảm thu (thu từ đất, các khoản thu khác của trung ương…).

Thứ hai, điều hành ngân sách chặt chẽ, linh hoạt, bám sát theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế; bảo đảm nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục rà soát tiết kiệm chi tiêu thường xuyên theo Nghị quyết của Chính phủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để bảo đảm cân đối ngân sách các cấp.

Thứ ba, triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo đảm đời sống cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định các khoản thu, chi ngân sách.

Cũng để hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội đưa ra 6 đề nghị với Bộ Tài chính. Trong đó, Bộ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thành phố đối với nhiệm vụ thu ngân sách còn khó khăn, thành phố không chủ động được và không hoàn thành được kế hoạch thu trong các năm gần đây như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; hỗ trợ thành phố đối với các khoản thu của trung ương phát sinh trên địa bàn thành phố.

Bộ Tài chính xem xét loại trừ khoản thu kết dư đã có phương án sử dụng, khoản thu tiền sử dụng đất tồn trong kết dư ngân sách chưa sử dụng khi tính tăng thu tạo nguồn cải cách tiền lương để bảo đảm nguồn lực theo kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương và bảo đảm cân đối ngân sách.

Cùng với đó, Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn thành phố Hà Nội ứng vốn Quỹ đầu tư phát triển địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng đối với các dự án quan trọng cần triển khai sớm đã có trong danh mục và được cân đối bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 ngay khi dự án được quyết định chủ trương đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2020 tăng 3,39%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.