Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần ổn định thị trường

Thiện Mỹ| 01/12/2021 06:08

(HNM) - Canh tác rau màu là một mảng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, lĩnh vực này gặp nhiều rủi ro do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngay với hiện tại, khi Hà Nội đã bước vào thời kỳ “thích ứng an toàn” và chuẩn bị nguồn cung cho dịp cuối năm, việc sản xuất rau màu của bà con cũng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn...

Lo lắng của người trồng rau màu ngày càng lớn bởi giá giống, phân bón, nhân công đang ngày càng đi lên (tăng trung bình khoảng 40% so với mọi năm), trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn là ẩn số lớn khi tính toán thị trường đầu ra cho sản phẩm. Chưa kể, phần lớn tính hiệu quả trong canh tác còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng... nên nguy cơ rủi ro vẫn cao.

Đối diện thực tế này, ngoài kế hoạch sản xuất sát khung thời vụ, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đề ra nhiều định hướng để các địa phương định hướng cho bà con nông dân trồng rau màu theo nhu cầu của thị trường. Theo đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đã cân nhắc tính thời vụ, thời điểm thu hoạch để trồng rải vụ, lệch vụ và đa dạng hóa cây trồng. Kể cả những vùng chuyên canh, cây trồng tập trung cũng có sự điều chỉnh hợp lý về cơ cấu loại rau, củ, quả; nhờ đó, đầu ra cho rau màu thời điểm hiện tại khá thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu thị trường, người nông dân có thu nhập...

Tuy nhiên, với diện tích ổn định hơn 13.500ha rau màu các loại, chưa kể, riêng vụ đông xuân, diện tích trồng rau màu còn tăng thêm gần 30.000ha trên đất hai lúa, thì để nông dân “được mùa, được giá” là điều cần tính toán, cân nhắc kỹ.

Trước mắt, ngành Nông nghiệp thành phố và các địa phương cần lập kế hoạch sản xuất sát với tình hình thực tiễn; chủ động phương án ứng phó với thiên tai, dịch bệnh. Cơ quan chức năng cần có dự báo chính xác dữ liệu về hình thế thời tiết, nhu cầu thị trường để thông tin đến người làm nông nghiệp, giúp họ có phương án hạn chế tối đa những bất lợi từ khách quan.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật trong canh tác, khuyến khích nông dân sử dụng những giống rau, củ, quả mới vào sản xuất cùng với phương thức canh tác cải tiến, theo hướng sạch và an toàn. Đặc biệt, người sản xuất cũng cần chủ động tìm tòi những giống rau mới, đặc sản, chất lượng cao để phục vụ thị trường dịp Tết. Việc gieo trồng cần cân đối giữa giống rau ăn lá, ăn củ, ăn quả và giữa các địa phương cũng nên có sự điều tiết để cân đối đầu ra cho sản phẩm.

Hà Nội ngày càng hình thành các vùng chuyên canh lớn nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng chế biến cần được khẩn trương tiến hành để nâng tính chuyên nghiệp trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất rau màu nói riêng. Ngành Nông nghiệp cần tham mưu cho thành phố những cơ chế hấp dẫn để mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; đồng thời có chính sách phát triển các mô hình chuỗi giá trị, bảo đảm đầu ra ổn định, mang lại lợi nhuận cho nông dân.

Để sản xuất hiệu quả, các cấp và ngành Nông nghiệp cần mở thêm nhiều kênh xúc tiến thương mại, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, đưa sản phẩm rau màu lên sàn thương mại điện tử. Ngành Công Thương, ngành Nông nghiệp thành phố cần phối hợp chặt chẽ để trao đổi, thúc đẩy giao thương với các tỉnh, thành phố lân cận nhằm mở rộng thị trường và tăng sản lượng tiêu thụ cho bà con nông dân.

Linh động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, chủ động nắm bắt tín hiệu thị trường sẽ góp phần ổn định thị trường, bảo đảm vụ rau màu cuối năm thắng lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần ổn định thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.