Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Nói không'' với ''giải cứu'', nông sản tìm lối đi riêng

Anh Thơ| 16/06/2021 19:35

(HNNN) - Lần đầu tiên tỉnh Bắc Giang có một đề nghị đặc biệt với các cơ quan báo chí: Không dùng từ “giải cứu” trong các tin, bài viết về nông sản của địa phương, đặc biệt là với vải thiều. Bởi chỉ cần có từ “giải cứu” là giá nông sản giảm. Cũng trong thời gian này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với các hội, đoàn thể ra mắt mô hình kết nối tiêu thụ nông sản kiểu mới.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT kiểm tra điểm tiêu thụ nông sản an toàn phòng dịch Covid-19 của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tại số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.

Vải ngon sao phải giải cứu?

Chia sẻ về đề nghị chưa từng có này với các cơ quan truyền thông, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang cho biết, địa phương có khoảng 28.000ha vải, sản lượng năm nay ước đạt 180.000 tấn. Hầu hết diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, với trên 80% sản lượng đáp ứng được yêu cầu theo các tiêu chuẩn này.

“Có thể khẳng định, chất lượng vải thiều Bắc Giang ngày càng được nâng cao. Quả ngọt, cùi dày, thơm, nhiều nước, không bị sâu cuống (một vấn đề của nhiều năm trước). Trình độ canh tác của nông dân ngày càng cao, tôi biết có nhiều người có trình độ như kỹ sư. Đặc biệt, năm nay, Nhật Bản đã chính thức công nhận chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Bắc Giang, đây cũng là sản phẩm nông nghiệp duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm này được Nhật Bản công nhận chỉ dẫn địa lý. Năm nay, chúng tôi đã xuất khẩu được 60 tấn vải thiều sang Nhật. Vải Lục Ngạn khi sang Nhật Bản, vào siêu thị chỉ một ngày là bán hết với giá tương đương 350.000 - 400.000 đồng/kg và được người Nhật rất ưa chuộng. Giá trị thực của quả vải đã được công nhận, chất lượng tốt, lại được thị trường đón nhận, vậy cớ gì chúng tôi phải giải cứu?” - ông Thái nêu vấn đề.

Theo ông Thái, từ trước đến nay chưa có một báo cáo tổng kết nào cho thấy, sau giải cứu nông dân được gì, mất gì. Đã có ai đánh giá, sau mỗi cuộc giải cứu, nông dân bị tổn thương thế nào, có bỏ ruộng không, có chặt cây này trồng cây khác không? “Theo tôi, có lẽ trong các cuộc “giải cứu” này, tư thương được lợi nhất, bởi đã có hiện tượng lợi dụng giải cứu, nông dân bị ép giá đến thê thảm trong khi giá đến tay người tiêu dùng lại không hề thấp” - ông Thái nói.

Chính vì vậy, Bắc Giang có cách tiếp cận khác để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con, muốn cộng đồng, người dân cả nước chung tay mở rộng thị trường tiêu thụ vải để nhiều người được thưởng thức thứ quả ngọt lành của đất Bắc Giang.

Chất lượng vải thiều Bắc Giang ngày càng được nâng cao.

Mô hình tiêu thụ nông sản kiểu mới

Để không còn tình trạng “giải cứu” nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xây dựng ý tưởng và họp bàn, mời Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng bắt tay vào kết nối, hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm. Mô hình kết nối cung - cầu này sẽ chính quy, chuyên nghiệp hơn để vừa cung cấp sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng, vừa nâng niu giá trị nông sản Việt.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, việc tổ chức mua bán nông sản tại các điểm giải cứu tự phát ở vỉa hè cũng xuất hiện nhiều bất cập như lượng người đến mua bán tại một thời điểm quá đông, không đảm bảo giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19, có một số người lợi dụng các điểm giải cứu để đưa hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ vào để tiêu thụ. Việc dùng từ “giải cứu” hay cách giải cứu như hiện nay cũng gây hiệu ứng ngược, làm giảm giá thành, giá trị hàng hóa nông sản, khiến nhiều nơi bà con bị ép giá.

“Chúng tôi đã họp và đi đến thống nhất, đó là xác định việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân là việc chung của cả 4 đơn vị, nói đúng hơn là cả 4 đơn vị sẽ đi chung trên cùng một con đường. Theo đó, 4 đơn vị sẽ tạo ra một hình mẫu về kết nối cung - cầu, từ đó lan tỏa tư duy tinh thần mới. Cụ thể, tại các điểm bán hàng mà chúng tôi dự kiến tổ chức tới đây sẽ thực hiện bài bản, có dán logo của cả 4 cơ quan cùng tham gia. Tại các điểm bán hàng này, chúng tôi sẽ thiết kế, phân luồng theo quy chuẩn phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, các quầy hàng sẽ được bố trí dung dịch sát khuẩn cho khách trước khi vào mua hàng. Đồng thời, chúng ta sẽ kẻ vạch giãn cách nhằm đảm bảo khoảng cách tối thiểu cho người mua hàng; phân luồng một chiều để người mua hàng xong chỉ đi theo một chiều ra quầy thu ngân” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Với mô hình này, Bộ NN&PTNT sẽ thông tin về tình hình sản xuất, hướng dẫn thu hoạch, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản và phương án logistics; hỗ trợ chế biến sâu, xúc tiến thương mại. Còn các đoàn thể thì tùy theo điều kiện, nhân lực nhưng phải đưa người xuống hỗ trợ bà con thu hái vải thiều, sau đó kết nối tiêu thụ cả trực tiếp và cả online như cách làm của Trung ương Đoàn. Tại các điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản sắp được xây dựng sẽ có 4 logo của 4 đơn vị để chứng minh rằng đây là một điểm kết nối tiêu thụ nông sản được tổ chức bài bản, chứ không phải giải cứu. Khẩu hiệu Bộ NN&PTNT đưa ra là: “Nâng niu giá trị nông sản Việt, san sẻ, kết nối yêu thương vượt qua đại dịch”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, mục tiêu lớn nhất của mô hình này không chỉ dừng lại ở số lượng nông sản được bán ra bao nhiêu, mà muốn giới thiệu một mô hình mới cùng đồng hành với nông sản Việt Nam, giảm thiểu tình trạng ùn ứ cục bộ trong khoảng thời gian ngắn, giúp người nông dân hướng tới quy trình sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng. “Quan điểm của Bộ NN&PTNT là, ngay cả trong đại dịch thì việc tổ chức tiêu thụ nông sản cũng phải đảm bảo sự an toàn, minh bạch, vừa phòng ngừa dịch bệnh vừa thể hiện đúng giá trị nông sản mà nông dân làm ra chứ không phải hình ảnh lộn xộn, mất an toàn, mất đi giá trị nông sản Việt” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Hiện, Bộ NN&PTNT và các hội, đoàn thể đã khai trương, mở 5 điểm tiêu thụ, kết nối nông sản kiểu mới ở địa chỉ: 83 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội; số 489 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy; điểm bán Xanh, 34 Khúc Thừa Dụ, quận Cầu Giấy; Cửa hàng thực phẩm sạch Chợ Quê, B23, X3, Khu đô thị Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm; Cửa hàng liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam, 186 phố Hồng Tiến, Đình Cổ Linh, Bồ Đề, quận Long Biên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Nói không'' với ''giải cứu'', nông sản tìm lối đi riêng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.