Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngỡ ngàng cánh đồng sâm trên đất đồi gò Sơn Tây

Minh Phú| 17/07/2021 11:40

(HNMO) - Sâm Bố Chính hay còn gọi là sâm thổ hào, sâm núi, là sản vật quý, xưa kia được người dân vùng Quảng Bình dùng tiến vua. Năm 2020, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã đưa sản vật này về trồng trên những thửa ruộng vốn chỉ trồng ngô, trồng sắn hiệu quả thấp. Đến nay, cả cánh đồng rộng 5ha ở xã Thanh Mỹ đã được phủ kín màu xanh của lá, sắc hồng cam của hoa sâm. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, cánh đồng sâm bát ngát, hoa nở đẹp mắt còn khiến nhiều người thích thú, ngỡ ngàng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam và lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, lãnh đạo thị xã Sơn Tây thăm mô hình trồng sâm Bố Chính của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm.

Bà Uông Tuyết Nhung, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm cho biết, để thực hiện mô hình, đơn vị đã thuê 5ha đất của hơn 100 hộ nông dân. Mô hình được Hợp tác xã sản xuất theo quy trình hữu cơ; có ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu như: Hệ thống tưới nước tự động và ươm giống.

Sâm Bố Chính rất phù hợp với đất đồi, dễ trồng. Cả lá, hoa và củ sâm đều có thể chế biến thành sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Thời gian trồng sâm bắt đầu vào mùa xuân. Cây sâm trồng từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 9 sẽ được thu hoa. Dự kiến, sau 1 năm trồng sâm sẽ cho thu củ. Theo ước tính, mỗi héc-ta trồng sâm Bố Chính cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.

Giá thuê đất của Hợp tác xã đối với các hộ nông dân là 1,5 triệu đồng/sào/năm. Các lao động làm việc tại đây chủ yếu là hộ có đất cho Hợp tác xã thuê. Hiện có 30 lao động địa phương đang làm việc cho Hợp tác xã, như chăm sóc, làm cỏ, thu hái hoa hằng ngày với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Hiện, trung bình mỗi ngày, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm thu hái khoảng 200-300kg hoa sâm Bố Chính tươi. Số hoa này được sấy lạnh để chế biến thành trà hoa sâm. Ngoài ra, cành, lá sâm cũng được cắt tỉa để làm mỹ phẩm dưỡng da...

Theo bà Uông Hồng Nhung, đây là vụ sâm đầu tiên Hợp tác xã trồng trên đất Thanh Mỹ. Nếu mô hình thành công, các năm sau, Hợp tác xã sẽ vận động bà con có đất nông nghiệp chủ động trồng sâm Bố Chính. Hợp tác xã sẽ hỗ trợ bà con về mặt kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Cây sâm chắc chắn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng ngô, sắn, giúp người dân có thu nhập tốt hơn.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, trong những ngày này, cánh đồng sâm Bố Chính còn rực rỡ sắc hoa, tô thêm vẻ đẹp của làng quê Thanh Mỹ dưới chân núi Tản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngỡ ngàng cánh đồng sâm trên đất đồi gò Sơn Tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.