Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm đủ nước gieo cấy lúa xuân

Kim Nhuệ| 01/12/2021 07:29

(HNM) - Gần hai tháng nữa, nông dân Hà Nội sẽ bước vào vụ gieo cấy lúa xuân 2022. Tuy nhiên, nhiều công trình lấy nước của Hà Nội đang bị bồi lắng, hư hỏng. Để bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy, giảm phụ thuộc nguồn nước điều tiết của hồ thủy điện, thành phố đang đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi...

Đơn vị thi công tập trung hoàn thành các hạng mục cuối cùng để đưa Trạm bơm cố định Thanh Điềm (huyện Mê Linh) vào khai thác lấy nước sản xuất vụ xuân 2022.

Vụ xuân 2022, Hà Nội dự kiến gieo trồng khoảng 103.000ha, trong đó có 83.092ha lúa, 21.000ha rau màu... Thời vụ gieo cấy lúa xuân của Hà Nội tập trung trà xuân muộn: Gieo mạ từ ngày 22-1 đến 1-2-2022, cấy từ cuối tháng 1, tập trung từ ngày 4-2 đến 1-3.

Tuy nhiên, quan sát trong ngày 28-11, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, nhiều công trình lấy nước của Hà Nội cạn trơ đáy. Cụ thể, kênh dẫn nước sông Hồng vào Trạm bơm dã chiến Thanh Điềm (thuộc địa phận xã Chu Phan, huyện Mê Linh) bị bồi lắng nghiêm trọng khiến 21 đường ống trạm bơm "phơi nắng"...

Tương tự, nhiều trạm bơm cố định của Hà Nội như: Sơn Đà (thuộc địa bàn huyện Ba Vì), Xuân Phú (huyện Phúc Thọ), Ấp Bắc (huyện Đông Anh) hoặc các cống: Liên Mạc, Cẩm Đình... cũng không thể vận hành do mực nước sông Đà, sông Hồng đang ở mức rất thấp. Nhìn các trạm bơm trơ đáy, nông dân các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ... rất lo lắng, mong muốn các cấp, các ngành của thành phố có giải pháp cấp đủ nước đổ ải, gieo cấy lúa xuân.

Trao đổi về nguyên nhân công trình lấy nước của Hà Nội đang “phơi nắng”, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đặng Anh Tuấn cho biết, do khai thác cát lòng sông quá mức dẫn đến lòng dẫn và mực nước các sông: Hồng, Đà, Đuống liên tục hạ thấp, phụ thuộc nguồn nước điều tiết của các nhà máy thủy điện trong khi đây là thời kỳ các nhà máy thủy điện được phép tích nước phục vụ phát điện mùa hè năm tới, dẫn đến hạn chế lưu lượng điều tiết xuống hạ lưu các sông.

“Sau khi thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Sở NN&PTNT Hà Nội và các tỉnh thuộc khu vực trung du, Đồng bằng Bắc Bộ, Tổng cục Thủy lợi vừa trình Bộ NN&PTNT kế hoạch lấy nước sản xuất nông nghiệp vụ xuân 2022”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Theo đề xuất trên, các nhà máy thủy điện sẽ thực hiện 3 đợt điều tiết nước bổ sung cho các sông: Hồng, Đà, Đuống với tổng cộng 16 ngày. Cụ thể, đợt 1 bắt đầu từ 0h ngày 4-1 đến 24h ngày 6-1-2022; đợt 2 bắt đầu từ 0h ngày 15-1 đến 24h ngày 22-1-2022; đợt 3 từ 0h ngày 13-2 đến 24h ngày 17-2-2022.

Để sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết, bảo đảm đủ nước gieo cấy lúa xuân, 4 doanh nghiệp thủy lợi của Hà Nội đã xây dựng phương án lấy nước; tập trung rà soát, lập danh mục đề xuất thành phố bố trí kinh phí sửa chữa máy móc, nạo vét kênh mương; lắp đặt trạm bơm dã chiến. “Đầu tháng 12 này, công ty nạo vét kênh dẫn, bảo đảm đủ nước cho Trạm bơm dã chiến Thanh Điềm vận hành...”, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội Trần Thanh Toàn cho biết.

Cùng với doanh nghiệp thủy lợi, các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai... đã bố trí kinh phí hỗ trợ các xã, thị trấn nạo vét kênh mương, sửa chữa công trình thủy lợi nội đồng.

“Để giảm phụ thuộc nguồn nước điều tiết các hồ thủy điện, Sở NN&PTNT đã kiểm tra, đề xuất Bộ NN&PTNT, UBND thành phố Hà Nội đầu tư kinh phí xây dựng công trình cố định nhằm xóa bỏ các trạm bơm dã chiến: Phù Sa, Ấp Bắc, Bá Giang; đầu tư cụm công trình đầu mối Liên Mạc, công trình chuyển nước từ sông Tích vào sông Đáy qua hệ thống kênh tiêu Săn - Thụy Đức...”, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đặng Anh Tuấn thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm đủ nước gieo cấy lúa xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.