Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa nông sản địa phương ra thế giới

Ngọc Quỳnh| 27/02/2023 06:23

(HNM) - Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhiều loại nông sản là đặc sản địa phương của Việt Nam như: Nhãn, vải, chôm chôm, xoài, sầu riêng... đã tạo được chỗ đứng trên thị trường thế giới. Việc này không chỉ khẳng định uy tín của nông sản Việt Nam mà còn mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

Nhãn chín muộn, một trong những đặc sản của Hà Nội đã được xuất khẩu sang Australia.

Nhiều loại nông sản chất lượng cao

Một số nông sản của Hà Nội có chất lượng cao đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Rau an toàn Văn Đức (huyện Gia Lâm) sang thị trường Hàn Quốc, gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) sang thị trường Mỹ, nhãn chín muộn xuất khẩu sang Australia... Theo Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Đức, để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước và vươn ra thế giới, hợp tác xã đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, rau an toàn của hợp tác xã đã được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, với sản lượng 300-500 tấn/năm, giá cao hơn 20% so với thị trường trong nước. Đây là hướng đi đúng với tình hình sản xuất và hội nhập kinh tế quốc tế, giúp người nông dân có "đầu ra" ổn định và yên tâm sản xuất.

Cũng về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hữu Tài thông tin: Hiện tại, toàn tỉnh có 123 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xếp hạng 3-4 sao; hình thành được hơn 100 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn. Năm 2022, Hòa Bình đã xuất khẩu 1.029 tấn sản phẩm, gồm: Chuối, nhãn, bưởi, mía sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu; xuất khẩu 975 tấn sản phẩm đã qua chế biến là măng, gừng... và 35 triệu lon sản phẩm chế biến từ các loại hạt sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Hàn Quốc…

Theo Bộ NN&PTNT, nhiều loại nông sản của các địa phương như: Chuối, khoai lang, tổ yến, bưởi, nhãn… đã được cấp phép xuất khẩu sang một số thị trường có giá trị cao trên thế giới như: New Zealand, Mỹ, Nhật Bản… Điều này mở ra một tương lai sáng và bền vững cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Năm 2022, có 5 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả và hạt điều. Ngay trong tháng 1-2023, nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã tới 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt 3,73 tỷ USD.

Sơ chế thanh long xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại tỉnh Bình Thuận.

Xây dựng chiến lược cạnh tranh

Hiện nay, nhiều loại nông sản là đặc sản của các địa phương đã chiếm lĩnh thị trường thế giới, nhưng có một thực tế là chất lượng một số nông sản chưa ổn định, mặt khác, dù có nhiều mặt hàng xuất khẩu ở vị trí hàng đầu thế giới nhưng có đến hơn 80% sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác của Việt Nam. Trước thực tế trên, Bộ NN&PTNT nhận định: Với bất cứ thị trường nào, nông sản Việt Nam phải xây dựng chiến lược cạnh tranh về chất lượng, giá cả và thương hiệu; đồng thời nâng cấp chất lượng cho tất cả các ngành hàng nông sản theo tiêu chuẩn của các thị trường.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Haiyang (tỉnh Bình Thuận) Bùi Thị Hải, công ty đã xây dựng nhà máy chế biến nông sản và phối hợp với nông dân hình thành vườn sầu riêng mẫu theo các yêu cầu kỹ thuật để đưa ra thị trường những sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh, sạch, qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin: Để nông sản Thủ đô tiếp tục vươn ra thị trường thế giới, ngành Nông nghiệp rà soát các cơ chế, chính sách, trên cơ sở đó đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm phát triển lĩnh vực chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. “Ngành Nông nghiệp thực hiện kết nối giữa các địa phương và doanh nghiệp, hợp tác xã… nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng nhóm nông sản chủ lực trong các công đoạn; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân đầu tư vào sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản với quy mô công nghiệp; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm tiềm năng, lợi thế phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu...”, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.

Để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 là 55 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian tới cần tập trung vào nhóm sản phẩm chủ lực, tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá cho những sản phẩm đã được cấp phép tiếp cận thị trường Trung Quốc (chanh leo, sầu riêng, chuối), New Zealand (chanh, bưởi), Nhật Bản (nhãn), Hoa Kỳ (bưởi)… Cùng với đó, tiếp tục đàm phán để thúc đẩy mở cửa thị trường cho các sản phẩm trồng trọt như: Trung Quốc (ký nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài; mở cửa chính ngạch cho bơ, na, bưởi); Hàn Quốc (thanh long ruột đỏ)...

Trong bối cảnh thế giới hiện tại, để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc và chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của từng thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa nông sản địa phương ra thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.