Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát giết mổ dịp Tết: Quản lý chặt từ ''gốc''

Ngọc Quỳnh| 17/01/2021 06:30

(HNMO) - Từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tăng cao nên các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này đều nhỏ lẻ, giết mổ thủ công, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, do đó, để có nguồn thực phẩm sạch phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, các cơ quan chức năng cần triển khai nhiều giải pháp, quản lý chặt từ “gốc”.

Nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Những ngày này, các lò mổ trên địa bàn thành phố đang hoạt động hết công suất để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này đều nhỏ lẻ không bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Thậm chí, tại các chợ dân sinh vẫn xuất hiện tình trạng tiểu thương giết mổ gia cầm phục vụ người tiêu dùng.

Theo bà Phạm Thị Sẻ ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai), vào dịp Tết, khi khách hàng có nhu cầu mua và giết mổ một vài con lợn, gia đình cũng thực hiện vì nếu chuyển sang các cơ sở giết mổ công nghiệp sẽ đội thêm chi phí. Và với các gia đình có nhu cầu chung lợn để gói bánh chưng, làm giò, chả trong dịp Tết Nguyên đán thì cũng giết mổ ngay tại nhà.

Còn ông Nguyễn Văn Võ, chủ hàng bán gà tại chợ Xanh (quận Hà Đông) cho biết: “Từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tiếp tục tăng cao, trung bình mỗi ngày cửa hàng bán khoảng 30-50 con gà và do yêu cầu của khách hàng nên vẫn giết mổ, làm sạch ngay tại chợ…”.

Các điểm giết mổ gia cầm tại chợ dân sinh thường chỉ có một nồi nước nhỏ, vài chiếc chậu và máy vặt lông. Toàn bộ khâu giết mổ thực hiện dưới nền gạch đã cáu bẩn, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng theo như lời của ông Võ, bán gà mà không mổ và làm sạch thì khách hàng sẽ sang nơi khác để mua.

Về việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay, toàn thành phố có 738 cơ sở giết mổ, nhưng có tới 673 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công thường không có địa điểm cố định mà nằm ở hầu hết các chợ, các khu dân cư (hiện tại chỉ riêng huyện Thanh Trì không còn giết mổ nhỏ lẻ) và không bảo đảm các điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Mặt khác, nguồn nước thải, chất thải từ các cơ sở giết mổ thải trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người.

“Đa số các điểm giết mổ nhỏ lẻ đều không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động, không được cơ quan thú y kiểm tra, kiểm soát theo quy định. Đây là nguồn nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm...”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhận định.

Giết mổ công nghiệp góp phần tạo nguồn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm an toàn cho người tiêu dùng.

Đồng bộ nhiều giải pháp quản lý

Có một thực tế là, do nhận thức, thói quen nên người tiêu dùng vẫn chấp nhận những sản phẩm động vật không được kiểm soát cho bữa cơm gia đình. Điều này đã tạo cơ hội cho các lò giết mổ nhỏ lẻ hoạt động, trong khi các cơ sở giết mổ công nghiệp đầu tư dây chuyền hiện đại với kinh phí hàng chục tỷ đồng chỉ đạt 20-30% công suất.

Để khắc phục tình trạng trên và kiểm soát nguồn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm ra thị trường, theo ông Đào Quang Vinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín), các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền cấp xã cần tăng cường trách nhiệm, chỉ đạo lực lượng thú y kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; yêu cầu vào giết mổ ở những cơ sở tập trung đã được chính quyền địa phương quy hoạch.

Cũng về vấn đề này, ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai thông tin, huyện quy hoạch khu giết mổ tập trung ở xã Bình Minh và đã xong phần đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào, đang kêu gọi các doanh nghiệp vào xây dựng cơ sở giết mổ công nghiệp, hiện đại... Mặt khác, Thanh Oai chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh, giết mổ tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ, chợ dân sinh…, quản lý chặt chẽ nguồn gốc, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Để quản lý chặt chẽ nguồn gốc sản phẩm thịt gia súc, gia cầm bán trên thị trường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương hình thành các khu giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp tập trung theo Quyết định 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 về việc phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội” gắn với các chợ bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hiện có tại từng địa phương. Qua đó, giảm số cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư - Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2021 giảm được khoảng 50% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Mặt khác, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu thành phố hoàn thiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn Hà Nội.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, các địa phương cần ưu tiên bố trí quỹ đất cho việc xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn theo quy hoạch; đồng thời, tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án để bảo đảm tiến độ.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các sở, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn sản phẩm không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen trong việc sử dụng thịt gia súc, gia cầm giết mổ không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ, các điểm giết mổ nhỏ lẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát giết mổ dịp Tết: Quản lý chặt từ ''gốc''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.