Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm "sạch" môi trường mạng

Thanh Hà| 11/06/2019 07:41

(HNM) - Sau khi công bố vi phạm pháp luật của Facebook tại Việt Nam (tháng 1-2019), cuối tuần qua Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục công bố các hành vi sai phạm trên nền tảng của YouTube, Google.


YouTube, Google đã chứa những sai phạm gì? Mặc dù đã có sự hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam trong việc gỡ bỏ clip có nội dung xấu, độc (khoảng 8.000 clip), nhưng vẫn còn tới 55.000 clip xấu, độc đang tồn tại. Mặt khác, những clip YouTube đã gỡ bỏ vì có nội dung không lành mạnh, bạo lực, nhưng người dùng vẫn đăng tải lại được.

Những tồn tại này đều bắt nguồn từ cơ chế quản lý nội dung của YouTube, Google lỏng lẻo, bất cập. Và trong khi “bộ lọc” hoạt động chưa hiệu quả, thì YouTube, Google lại cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp mà không thông qua đại lý quảng cáo trong nước, vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.

Vì vậy, theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng một số giải pháp. Trước hết, cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu YouTube, Google phải định danh các kênh YouTube tiếng Việt, chỉ kênh được định danh và không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật thì mới có thể xem xét chia sẻ số tiền quảng cáo; bổ sung cơ chế không cho người dùng đăng lại clip vi phạm đã bị gỡ bỏ.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ dòng tiền quảng cáo trên YouTube, Google. Cùng với đó, cơ quan quản lý đưa ra các quy định cụ thể với người mua quảng cáo, đại lý quảng cáo, người sáng tạo nội dung, đơn vị quản lý kênh trong nước để làm “sạch” môi trường mạng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm "sạch" môi trường mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.