Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xét xử vụ vỡ đường ống nước sông Đà: Nhiều bị cáo kêu oan, không nhận tội

Bảo Hân| 05/03/2018 18:40

(HNMO) - Chiều 5-3, trong phần xét hỏi,  phần lớn các bị cáo đều cho các bị cáo bị truy tố về tội


Các bị cáo tại phiên xét xử.


Theo đó, 9 bị cáo bị xét xử về tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 299 Bộ luật Hình sự, gồm Hoàng Thế Trung (SN 1960, nguyên Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội); Nguyễn Văn Khải (SN 1961, nguyên Phó giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội); Trương Trần Hiển (SN 1957, nguyên Trưởng phòng vật tư thiết bị, thuộc BQLDA đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội); Trần Cao Bằng (SN 1954, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex); Vũ Thanh Hải (SN 1960, nguyên Trưởng phòng sản xuất, nguyên Giám đốc phân xưởng, nguyên Phó giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex); Đỗ Đình Trì (SN 1968, nguyên cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường VN-Viwase, Bộ Xây dựng; nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội); Nguyễn Biên Hùng (SN 1950, nguyên cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường VN, Bộ Xây dựng; nguyên Phó trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội); Hoàng Quốc Thống (SN 1955, nguyên cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường VN, Bộ Xây dựng; nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước sông Đà, Hà Nội) và Bùi Minh Quân (SN 1972, nguyên Phó giám đốc Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh thiết bị thuộc Công ty cổ phần Nước và Môi trường VN, Bộ Xây dựng; nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội).

HĐXX do nữ thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu làm chủ toạ. Đầu phiên xét xử buổi sáng, trước ý kiến một luật sự đề nghị triệu tập hai người có liên quan là ông Phí Thái Bình (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaconex) và ông Vũ Đình Chầm (nguyên thành viên HĐQT Vinaconex), HĐXX khẳng định đã triệu tập nhưng trước phiên xử nhận được đơn xin vắng mặt kèm hồ sơ bệnh án của hai ông này.

Một luật sư khác đã đề nghị hoãn phiên tòa vì vắng mặt những người có vai trò quan trọng đối với dự án. Đại diện VKS cho rằng, trong quá trình điều tra, ông Phí Thái Bình và Vũ Đình Chầm đã có lời khai cụ thể và hiện hai ông bị bệnh nặng, có sự xác nhận của bệnh viện, có lời khai và giữ nguyên lời khai trong quá trình điều tra, nên sự vắng mặt không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án một cách khách quan. Do đó, HĐXX đã quyết định tiếp tục phiên xét xử.

Theo cáo trạng vụ án, dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư theo hình thức BOO sử dụng vốn tự có, vốn huy động do doanh nghiệp tự thu xếp và vay của các tổ chức tín dụng. Trong quá trình vận hành khai thác, tuyến ông liên tục xảy ra sự cố vỡ ống truyền tải nước.

Từ ngày 4-2-2012 đến 2-10-2016, tuyến ống đã vỡ 18 lần với 23 ống composite cốt sợi thuỷ tinh, khiến doanh nghiệp (DN) khai thác phải chi phí hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục. Bên cạnh đó, việc tuyến ống bị vỡ liên tục buộc DN khai thác phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian 386 giờ với lượng nước ngưng cấp hơn 1,7 triệu m3, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nguyên nhân gây ra hậu quả như trên đã được kết luận tại kết luận giám định tư pháp ngày 15-4-2015 là do vi phạm trong quá trình sản xuất ống, quá trình quản lý, giám sát thi công xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch của dự án. Quá trình sản xuất ống chưa được kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, ống được sản xuất có chất lượng không đồng đều, chỉ tiêu độ cứng vòng của nhiều mẫu thử không đạt yêu cầu, ngoài ra không thực hiện thử nghiệm độ bền thuỷ tĩnh dài hạn để làm cơ sở cho việc kiểm tra độ bền dài hạn của tuyến ống sau này.

Ngoài ra, trong quá trình thi công xây dựng, Ban quản lý dự án, nhà thầu giám sát chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng ống trước khi lắp đặt. Khi phát hiện có sản phẩm ống không bảo đảm chất lượng đã không thực hiện kiểm tra lại chất lượng sản phẩm của lô ống tương ứng. Việc giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu chưa chặt chẽ, không phát hiện ra các tồn tại trong quá trình thi công, lắp đặt tuyến ống.

Kết luận giám định bổ sung số 107/BXH-GĐ ngày 30-9-2016 của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cũng đã xác định, nếu sản xuất ống có chiều dày, các thông số kỹ thuật đúng như thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và quá trình sản xuất, thí nghiệm, kiểm tra, vận chuyển, thi công lắp đặt, giám sát, nghiệm thu, thử nghiệm, vận hành và khai thác sử dụng tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu của thiết kế và các quy định có liên quan thì không thể gây ra sự cố vỡ đường ống. Đây là trách nhiệm của những cá nhân trong quá trình sản xuất ống, quá trình quản lý, giám sát thi công xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội.

Cáo trạng xác định, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng đó là do nguyên Giám đốc Ban QLDA cấp nước sông Đà cùng đồng phạm đã vi phạm các quy định về xây dựng. Trong đó, Hoàng Thế Trung, Nguyễn Văn Khải và Trương Trần Hiển là những người có trách nhiệm tổ chức thực hiện thi công, trên cương vị của chủ đầu tư nhưng đã không làm tròn chức trách. Các bị cáo này đã ký 73 biên bản nghiệm thu, giai đoạn cung cấp ống và xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống, phụ kiện ống composite dùng trong dự án không đạt chất lượng. Trong 3 cựu cán bộ Ban QLDA cấp nước sông Đà, bị cáo Trung và Hiển phải chịu trách nhiệm toàn bộ về thiệt hại.

Sang phần xét hỏi, phần lớn các bị cáo đều cho rằng các bị cáo bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" là không đúng. Bị cáo Hoàng Thế Trung cho rằng,  công việc của Ban quản lý không vi phạm các quy định về xây dựng. “Khi gặp sự cố, ban quản lý dự án có trả lại ống cho nhà thầu cung cấp?” - chủ tọa chất vấn. Bị cáo Trung cho hay, Ban quản lý có đề nghị sửa chữa, nếu không sửa chữa được thì thay thế, đạt yêu cầu mới cho thi công. 94 ống không đạt yêu cầu đã được sửa chữa xong và nghiệm thu. Đến nay, số ống này không bị làm sao.

Bị cáo Trương Trần Hiển cho rằng kết luận giám định nêu ống vỡ do chất lượng ống, trong quá trình điều tra, bị cáo đã công nhận điều này, nhưng cũng còn nhiều nguyên nhân khác như từ khâu lựa chọn vật liệu, thiết kế, sản xuất, bảo quản, vận chuyển. "Các hành vi của tôi thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được phân công không sai, không vi phạm pháp luật" - bị cáo Hiển cho rằng mình bị oan.

Bị cáo Trần Cao Bằng nêu, phần lớn kết luận trong giám định liên quan đến Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex là sai và bị cáo không phạm tội. Bị cáo Vũ Thanh Hải trình bày: "Tất cả công việc đã thực hiện đều hướng đến mục đích phục vụ cho dân sinh. Trong quá trình thực hiện, bị cáo không vụ lợi, tư lợi cá nhân. Còn do về nhận thức, trình độ, hiểu biết pháp luật, nếu có khuyết điểm thì mong HĐXX xem xét".

Trước phần trả lời của các bị cáo, chủ toạ phiên toà cho rằng, các bị cáo cần thành khẩn xem xét và nhận thức lại hành vi của mình, nhất là khi hậu quả xảy ra của việc liên tục đường ống bị vỡ đã rất rõ.

Dự kiến phiên xét xử diễn ra trong 10 ngày liên tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử vụ vỡ đường ống nước sông Đà: Nhiều bị cáo kêu oan, không nhận tội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.