Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn xin khắc phục hậu quả

Theo TTXVN| 24/04/2018 16:23

Sáng 24-4, Hội đồng xét xử tiếp tục Phiên xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm, nghe trình bày của các bị cáo và các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN


Trước khi Phiên phúc thẩm diễn ra, có 3 bị đơn dân sự đã có kháng cáo liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án tại OceanBank là: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại dương; Công ty Trách nhiệm hữu hạn VNT và cá nhân bà Mai Thị Hằng.

Trong diễn biến tại Tòa, Hội đồng xét xử xem xét thêm đề nghị và chấp nhận tư cách tham gia Phiên phúc thẩm của bà Võ Thị Thanh Xuân (là vợ của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn) với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Về khắc phục hậu quả, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) mong muốn được cho phép dùng các tài sản đã bị kê biên, nhà cửa, cổ phiếu... bán đi để khắc phục bồi thường mà bị cáo phải chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cũng nhận được nhiều đơn từ bố, mẹ, vợ bị cáo Sơn mong muốn lấy tài sản của mình để khắc phục hậu quả cho bị cáo Sơn và tại Phiên tòa, Nguyễn Xuân Sơn cũng đồng ý phương án này.

Tại Phiên tòa, bà Võ Thị Thanh Xuân tiếp tục mong muốn được lấy tài sản của mình và gia đình cùng bị cáo Sơn khắc phục hậu quả để Tòa xem xét là tình tiết giảm nhẹ tội cho Nguyễn Xuân Sơn. Đồng thời, bà Xuân đề nghị Tòa không kê biên nhà đất ở khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) đứng tên Nguyễn Xuân Sơn và Võ Thị Thanh Xuân.

Vợ bị cáo Sơn lý giải, căn nhà ở khu đô thị Ciputra có một phần tiền đóng góp của mẹ đẻ bà Võ Thị Thanh Xuân. Ngoài ra, đây hiện là nơi thờ cúng liệt sỹ - là anh trai của bà Xuân. Do đó, bà Xuân mong Hội đồng phúc thẩm tuyên không kê biên ngôi nhà này.


Giải thích với bà Võ Thị Thanh Xuân, Chủ tọa Phiên tòa nói cơ quan thi hành án kê biên tài sản của bị cáo để tránh việc tẩu tán tài sản. Quá trình bản án phúc thẩm được thi hành, cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn, phân định tài sản cho gia đình nắm bắt.

Nếu căn nhà đó là tài sản chung của vợ chồng, Tòa xác định bị cáo Sơn phải thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ đảm bảo quyền lợi cho bà Xuân.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kê biên một số tài sản, nhà đất liên quan đến bị cáo Nguyễn Xuân Sơn để bảo đảm cho việc thi hành án.

Trong đó có: Quyền sử dụng 120m2 đất và tài sản gắn liền, với đất thuộc thửa đất tại số 31A, ngách 31/46 đường Xuân Diệu, phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, đứng tên Nguyễn Xuân Sơn và Võ Thị Thanh Xuân; Quyền sử dụng 342m2 đất và tài sản gắn liền với đất tọa lạc tại số 21, Lô D2, khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, đứng tên Nguyễn Xuân Sơn và Võ Thị Thanh Xuân; Quyền sở hữu căn hộ số 2006, tòa nhà N07/B2 thuộc dự án Nhà ở để bán cho cán bộ chiến sĩ Bộ Công an tọa lạc tại Khu đô thị mới Dịch Vọng, Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Cùng phiên sáng, Tòa cũng xét hỏi các cá nhân và đơn vị khác có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Họ chủ yếu là những cổ đông của Ngân hàng Đại Dương.

Bà Lưu Khánh Hồng, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn VNT (cổ đông của Oceanbank) trình bày kháng cáo, mong Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Nguyễn Xuân Sơn hoàn trả 20% số tiền đã chiếm đoạt cho đơn vị này.

Theo bà Hồng, Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phải bồi thường 49 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Công ty VNT cũng là một cổ đông như PVN, chiếm 20% cổ phần tại Oceanbank, nên đáng lẽ phải được hưởng quyền lợi giống như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Tiếp đó, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương kháng cáo, yêu cầu Tòa tuyên những khách hàng đã nhận tiền chi lãi ngoài của Oceanbank phải hoàn trả lại cho cổ đông.

Hết phiên xét xử sáng 24-4, Chủ tọa tuyên bố kết thúc phần xét hỏi.

Từ sáng 26-4, Tòa phúc thẩm bắt đầu phần tranh tụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn xin khắc phục hậu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.