Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở lại phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Vinasun và Grab

Yến Thanh| 17/10/2018 15:48

(HNMO) - Ngày 17-10, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục đưa vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) đối với bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (GrabTaxi) ra xét xử.

Phiên xét xử Vinasun kiện Grab ngày 17-10.


Theo nội dung vụ kiện, Vinasun cho rằng phía GrabTaxi đã có những phương thức cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng và thiệt hại cho taxi truyền thống như Vinasun do lợi nhuận sụt giảm. Đại diện Vinasun cho biết, GrabTaxi chỉ có chức năng cung cấp phần mềm kết nối nhưng trên thực tế là kinh doanh vận tải taxi. GrabTaxi khi thực hiện đề án thí điểm của Bộ GT-VT đã vi phạm hàng loạt quy định pháp luật, không tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, khuyến mại tràn lan, phá giá... và là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm.

Cụ thể, năm 2015 lợi nhuận sau thuế của Vinasun là gần 320 tỷ đồng, đến năm 2016 còn hơn 295 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh quý I, II-2017 của đơn vị chỉ còn 53 tỷ đồng. Đến hết quý II-2017, hơn 8.000 nhân viên của Vinasun nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi... Vì vậy, Vinasun yêu cầu tòa buộc Grab phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trên 41 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận bị sụt giảm trong hai năm 2016, 2017.

Trong khi đó, phía GrabTaxi cho rằng đơn vị này chỉ thực hiện theo đề án thí điểm của Bộ GT-VT và vi phạm (nếu có) thuộc về thẩm quyền xử lý của cơ quan chức năng, cũng như không phải là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm.

Tại phiên tòa sáng nay, GrabTaxi đề nghị hoãn xử vì sự vắng mặt của giám định viên. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng căn cứ khoản 2 Điều 257 Bộ luật Tố tụng dân sự thì HĐXX có quyền xét xử vắng mặt người giám định. HĐXX công bố kết quả giám định tại phiên tòa. Nếu không đồng ý với kết luận giám định được công bố và có yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại, xét thấy việc này là cần thiết cho việc giải quyết vụ án thì HĐXX quyết định giám định bổ sung, giám định lại...

Cũng tại phiên xét xử, luật sư đại diện cho bị đơn (GrabTaxi) hỏi luật sư đại diện cho nguyên đơn (Vinasun) rằng: Trong đơn khởi kiện, Vinasun có đề nghị tòa xem xét lại bản chất và nội dung của Quyết định 24 của Bộ GT-VT? Lập tức, luật sư đại diện cho Vinasun yêu cầu luật sư đại diện cho Grab không áp đặt vụ việc để ghi vào nội dung của tòa.

“Chúng tôi chỉ trả lời theo đơn khởi kiện là GrabTaxi đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi. Cụ thể, Grab lách luật khi không cung cấp phần mềm kết nối như trong đề án thí điểm của Bộ GT-VT mà kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi. Đề nghị luật sư của Grab không diễn giải sai sự việc mà ghi đúng bản chất sự việc”, đại diện luật sự của Vinasun nêu rõ.

Cũng theo luật sư đại diện cho Vinasun, Grab cho rằng vụ kiện bản chất là kiện về vi phạm luật cạnh tranh là không đúng, mà bản chất vụ việc là kiện Grab hành vi kinh doanh vận tải taxi trái pháp luật. “Ở đây Vinasun kiện kinh doanh ngoài hợp đồng của Grab. Chúng tôi kiện về tố tụng dân sự, không kiện về luật cạnh tranh”, luật sư Vinasun khẳng định.

Đây là lần thứ tư phiên tòa được mở để giải quyết vụ tranh chấp này. Phiên tòa lần đầu tiên được mở vào tháng 2-2018. Tuy nhiên, sau đó tòa đã có quyết định tạm dừng phiên tòa để các bên thu thập, bổ sung thêm chứng cứ nhằm làm rõ một số nội dung của vụ án. Ngày 7-3, Tòa mở phiên tòa, sau đó quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Sở GT-VT và Bộ GT-VT cung cấp một số tài liệu liên quan. Đến ngày 24-9, Tòa tiếp tục đưa vụ án ra xét xử rồi lại phải tạm dừng phiên tòa do bị đơn có xin hoãn xử và không có mặt tại tòa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở lại phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Vinasun và Grab

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.