Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phiên xét xử thứ năm vụ kiện giữa Vinasun và Grab tiếp tục gay cấn

Hà Phạm| 22/11/2018 16:43

(HNMO) - Ngày 22-11, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã mở lại phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun kiện bị đơn là Grab Taxi Việt Nam...

Phiên xét xử thứ năm vụ kiện giữa Vinasun và Grab ngày 22-11 tại Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh.


Tại Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh, đại diện Vinasun và Grab vẫn tiếp tục tranh luận về căn cứ xác định thiệt hại của Vinasun do Công ty cổ phần Thẩm định - Giám định Cửu Long (đơn vị được Tòa án chỉ định giám định độc lập về thiệt hại mà Grab gây ra cho Vinasun) thực hiện. Sau thời gian tạm ngừng phiên tòa (ngày 29-10), phía Vinasun vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Hai bên không cung cấp thêm tài liệu gì.

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Lê Công Toại cho biết, sau khi tạm ngừng phiên tòa, Hội đồng xét xử đã có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Thẩm định - Giám định Cửu Long giải thích kết quả giám định thiệt hại của Vinasun.

Cụ thể, Tòa hỏi công ty này về căn cứ kết luận việc Vinasun giảm giá trị vốn hóa thị trường trong thời gian từ tháng 1-2016 đến 2017 là do hoạt động của Grab gây ra. Tòa cũng công bố văn bản trả lời của Công ty cổ phần Thẩm định - Giám định Cửu Long về nội dung này. Phía Vinasun hoàn toàn đồng ý với việc giải thích của công ty giám định, còn phía Grab vẫn không đồng ý.

Theo báo cáo trả lời trình lên Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Thẩm định - Giám định Cửu Long dựa vào các báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán, các báo cáo này cho thấy vào ngày 31-12-2015, điểm số của thị trường chứng khoán TP Hồ Chí Minh là gần 580 điểm, giá của Vinasun là 30,4 nghìn đồng, giá trị sổ sách hơn 21 nghìn đồng.

Đến ngày 30-6-2017, điểm số này là gần 780 điểm, tăng 34,1% so với ngày 31-12-2015, thế nhưng giá cổ phiếu trên thị trường của Vinasun lại đi ngược lại với giá 21,9 nghìn đồng, giảm 28% so với năm 2015. Trong khi, chỉ số giá trên sổ sách của toàn thị trường đã tăng lên 2,28 lần, tức tăng gần 33% so với cuối năm 2015.

Cũng theo các công ty chứng khoán, Vinasun có kết quả kinh doanh sụt giảm do cạnh tranh gay gắt từ Grab, Uber. Lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh taxi đã xuống thấp hơn lợi nhuận từ thanh lý xe. Năm 2018, kết quả kinh doanh dự báo sẽ tiếp tục giảm 25-30% so với năm 2017. Giá cổ phiếu khuyến nghị ở mức 14,6 nghìn đồng.

Theo Công ty cổ phần Thẩm định - Giám định Cửu Long, từ báo cáo của 3 công ty chứng khoán trên có thể khẳng định rằng là những đánh giá khách quan, khoa học. Đây là việc làm hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật về giám định, thẩm định.

Để nhận định tác động của Grab, Uber lên trị giá cổ phiếu Vinasun, một lần nữa Công ty cổ phần Thẩm định - Giám định Cửu Long khẳng định có đủ cơ sở khoa học để xác định yếu tố tác động tiêu cực duy nhất tới cổ phiếu Vinasun là sự xuất hiện của Uber, Grab, cùng chiến lược giá rẻ, khuyến mại cho khách hàng, hỗ trợ tài xế, gây áp lực lên thị phần và lợi nhuận của Vinasun.

Trong khi đó, theo đại diện Grab, Công ty cổ phần Thẩm định - Giám định Cửu Long dựa vào báo cáo của 3 công ty chứng khoán nhưng các thông tin, số liệu trong báo cáo này chưa chính xác.

Phản bác lại ý kiến của phía Grab, Vinasun cho rằng, kết luận giám định là có cơ sở đã trải qua quá trình nghiên cứu, phân tích dài, khoa học, bài bản và đúng quy định. Các số liệu trên là một trong những cơ sở chứng minh thiệt hại của Vinasun chứ không phải là căn cứ duy nhất. Việc Grab gây thiệt hại cho Vinasun đã được chứng minh qua các phiên tòa trước đó. Cụ thể, Grab vi phạm pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun.

Cũng theo Vinasun, lợi dụng việc Bộ Giao thông - Vận tải ban hành Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016 về “kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý kết nối hoạt động vận tải theo hợp đồng” (gọi tắt là đề án 24), Grab đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi, gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu và lợi nhuận cho Vinasun. Vinasun yêu cầu buộc Grab bồi thường cho Vinasun số tiền thiệt hại lợi nhuận hơn 41,2 tỷ đồng là hoàn toàn chính xác và đúng pháp luật quy định.

Sau phần tranh luận, Hội đồng xét xử hỏi phía Vinasun và Grab có thỏa thuận về chi phí giám định hay không? Cả hai cho biết không thỏa thuận, Hội đồng xét xử xem xét phân xử theo quy định pháp luật.

Phiên tòa sẽ được tiếp tục vào lúc 14h chiều mai (23-11).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên xét xử thứ năm vụ kiện giữa Vinasun và Grab tiếp tục gay cấn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.