Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng gốm Kim Lan chuyển mình

Sơn Tùng| 01/09/2013 06:23

(HNM) - Nằm cách Bát Tràng chỉ một con sông đào Bắc Hưng Hải nhưng ít người biết đến làng gốm Kim Lan (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm). Có lẽ bởi nhịp sống chậm, an bình ở mảnh đất này.

Dù là làng nghề song nhịp sống ở đây khá chậm, làm nên vẻ mộc mạc bình dị của làng quê Đồng bằng sông Hồng. Kim Lan từng là trung tâm sản xuất gốm sứ cổ vào thế kỷ XIII-XIV, với nhiều bằng chứng cho thấy gốm Kim Lan thời Trần có thể từng được xuất khẩu sang Philippines và Indonesia.

Sản xuất đồ gốm ở xưởng anh Đào Văn Thịnh xóm 7 Tiền Phong - Kim Lan.


Xưởng sản xuất của anh Đào Văn Thịnh là một trong những xưởng sản xuất lớn của xóm 7, thôn Tiền Phong với gần chục công nhân. Anh Thịnh cho biết: gốm Kim Lan có từ lâu đời, lâu đời hơn cả Bát Tràng, vậy mà hiện nay Bát Tràng hưng thịnh, sầm uất hơn Kim Lan nhiều lần. Đã có thời kỳ, hàng trăm lao động của Kim Lan sang Bát Tràng làm thuê vì sản phẩm ở đây mẫu mã kém, không bắt mắt được khách hàng. Nhiều bậc cao niên trong làng không khỏi trăn trở, day dứt. Nhưng rồi với nỗ lực của người dân làm nghề và sự trợ lực của chính quyền địa phương, làng gốm dần lấy lại phong độ. Hầu hết các gia đình gắn bó với nghề đều quay lại sản xuất. Sản phẩm gốm Kim Lan không quá cầu kỳ, chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày như chậu hoa, tranh gốm và các đồ trang trí vật liệu xây dựng như con tiện, lan can cầu thang, xiên hoa cửa…

Mỗi gia đình ở Kim Lan chọn cho mình một sản phẩm thế mạnh, nhà làm chậu cảnh thì chuyên chậu cảnh, nhà nào làm xiên hoa thì chuyên xiên hoa, còn anh Thịnh chọn cho mình một dòng sản phẩm khá độc đáo, đó là sản xuất những con nghê để xuất đi thị trường Campuchia. Nhờ được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội mà anh và nhiều hộ dân ở Kim Lan đã có vốn mở mang sản xuất, đầu tư công nghệ mới. Anh Thịnh tâm sự: Trước đây không có vốn, cả làng có tới hơn 300 lò gốm bằng than, ngày nắng nóng cả làng như một cái lò bát quái, khói bụi mù mịt. Sản phẩm bị hỏng khá nhiều, chi phí công sản xuất cũng tăng cao. Nhưng từ khi chuyển sang lò nung bằng ga, đời sống của nhân dân ở đây khá lên rất nhiều, sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, không khí lại trong lành. Anh cho biết thêm, để đầu tư một lò nung gốm bằng ga chi phí từ 400 đến 600 triệu đồng, không phải hộ dân nào trong làng cũng đủ kinh phí, thế nên sự tiếp sức của ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội, rất có ích để các hộ sản xuất nhỏ ở làng nghề phát triển.

Bằng bàn tay khéo léo, sự tâm huyết gửi gắm trong từng sản phẩm, người dân làng Kim Lan đang góp phần làm phong phú, đa dạng và phát triển nghề gốm khu vực phía Bắc nước ta. Cách đây hơn một năm, Nhà trưng bày gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan được khánh thành trong niềm vui, niềm tự hào của người dân nơi đây. Các bậc cao niên trong làng, với vốn hiểu biết về nghề gốm sứ và tâm huyết với mảnh đất Kim Lan đã thành lập nhóm "Tìm về cội nguồn" của làng. Với hơn 300 hiện vật được trưng bày theo tiến trình lịch sử đã khái quát được câu chuyện về làng nghề truyền thống Kim Lan, từ những dấu tích cư trú đầu tiên đến sự hưng thịnh hôm nay. Các cổ vật ở đủ các thời đại được thuyết minh bằng 3 ngôn ngữ Việt, Nhật, Anh mà điểm nhấn là những đồ gốm sứ do chính người làng sản xuất thể hiện tính khoa học hết sức nghiêm túc. Đó là những minh chứng cho thấy làng gốm Kim Lan đang chuyển mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng gốm Kim Lan chuyển mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.