(HNM) - Là huyện thuần nông, cơ sở hạ tầng yếu kém, nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân nên đến nay Chương Mỹ đã có 22/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020, Chương Mỹ cần nguồn lực lớn để hoàn thành những tiêu chí chưa đạt.
![]() |
Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Chương Mỹ có xuất phát điểm thấp. 30 xã thì không có xã nào đạt trên 10 tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí thuộc nhóm hạ tầng, kinh tế, xã hội. Sau hơn 7 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Chương Mỹ đã có 22 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến kết thúc năm 2018, huyện Chương Mỹ có thêm 3 xã: Văn Võ, Mỹ Lương, Đông Phương Yên sẽ được thành phố công nhận đạt chuẩn. Như vậy, huyện chỉ còn 5 xã: Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Phụng Châu, Thanh Bình, Tiên Phương chưa “cán đích” chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo kết quả đánh giá của Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới huyện Chương Mỹ, đến tháng 9-2018, xã Hoàng Văn Thụ có 7 tiêu chí đạt, 7 tiêu chí cơ bản đạt; còn 5 tiêu chí chưa đạt gồm: Trường học, nhà ở dân cư, thu nhập, tổ chức sản xuất, văn hóa. Xã Tốt Động có 9 tiêu chí đạt, 6 tiêu chí cơ bản đạt và 4 tiêu chí chưa đạt: Trường học, thu nhập, tổ chức sản xuất, văn hóa. Xã Tiên Phương có 8 tiêu chí đạt, 7 tiêu chí cơ bản đạt, 4 tiêu chí chưa đạt: Cơ sở vật chất văn hóa, trường học, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, văn hóa. Xã Thanh Bình có 7 tiêu chí đạt, 7 tiêu chí cơ bản đạt và 5 tiêu chí chưa đạt: Trường học, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nhà ở dân cư, tổ chức sản xuất, văn hóa. Xã Phụng Châu có 8 tiêu chí đạt, 6 tiêu chí cơ bản đạt, 5 tiêu chí chưa đạt: Trường học, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa.
Như vậy, các xã trên đều đã đạt và cơ bản đạt 14-15 tiêu chí, đều đủ điều kiện đăng ký với thành phố và huyện, phấn đấu đạt xã nông thôn mới năm 2019. Tuy nhiên, những xã này thuộc tốp cuối của huyện, xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ, hệ thống trường học các cấp chưa được công nhận trường chuẩn quốc gia. Tính đến tháng 9-2018, xã Tốt Động chưa có cấp trường nào được công nhận trường chuẩn; xã Hoàng Văn Thụ mới có 1/6 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ I. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, thủy lợi có nơi còn chưa bảo đảm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân; tỷ lệ số thôn được công nhận làng văn hóa còn thấp…
Theo Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ Lê Trung Hà, mặc dù xã đăng ký sẽ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đến năm 2019 sẽ được thành phố công nhận. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của xã là nguồn lực hoàn thành tiêu chí trường học. “Để đầu tư nâng cấp 5 trường học trên địa bàn đạt chuẩn, xã cần ít nhất khoảng 70 tỷ đồng. Đây là con số vượt quá khả năng của xã. Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ của huyện và thành phố, xã Hoàng Văn Thụ sẽ khó về đích đúng hẹn”, ông Lê Trung Hà chia sẻ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc cho biết, huyện đã xây dựng nhiều giải pháp huy động các nguồn lực, nhất là các nguồn ngoài ngân sách nhà nước để nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; tăng cường nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất ở để tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng; tuyên truyền vận động nhân dân, doanh nghiệp chung tay, đóng góp sức người, sức của trong xây dựng nông thôn mới… Để khai thác hiệu quả nguồn thu từ đất, huyện Chương Mỹ cũng đề nghị các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng giao thông như: Quốc lộ 6, tỉnh lộ 419, đường Nguyễn Văn Trỗi…