Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa tri thức đến gần cuộc sống

An Nhi| 15/04/2018 07:25

(HNM) - Tủ sách “Thành tựu khoa học và chuyển giao tri thức” vừa được Công ty cổ phần Tri thức văn hóa sách Việt Nam (Vinabook JSC) liên kết với Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội cho ra mắt bạn đọc, là một trong những hoạt động nổi bật hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5 (21-4).


Bạn đọc tìm hiểu thông tin tại tủ sách “Thành tựu khoa học và chuyển giao tri thức”. Ảnh: Thụy Du


Những cuốn sách quý giá

Tủ sách “Thành tựu khoa học và chuyển giao tri thức” tập hợp những công trình nghiên cứu có giá trị trên nhiều lĩnh vực như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật… Hơn 200 nhà khoa học hàng đầu của các chuyên ngành đã tham gia biên soạn và dịch thuật phục vụ cho việc xây dựng tủ sách, tất cả đã và đang nghiên cứu, giảng dạy tại các viện, trường đại học trong nước và quốc tế. Hơn 300 chuyên gia uy tín được mời tham gia thẩm định, phản biện nội dung thuộc từng lĩnh vực.

Tại buổi phát hành tủ sách, có 28 bộ sách về lịch sử, dân tộc học, văn hóa, ngôn ngữ học, văn học, triết học, môi trường, biến đổi khí hậu, biển đảo Việt Nam… được giới thiệu với bạn đọc. Trong đó, có thể kể đến cuốn sách “Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận” (GS Phan Huy Lê); “Lịch sử Việt Nam: Truyền thống và hiện đại” (GS.TS Vũ Minh Giang), “Tiếp biến và hội nhập văn hóa ở Việt Nam” (GS.TS Nguyễn Văn Kim), “Một số vấn đề về dân tộc học Việt Nam” (GS.TS Phan Hữu Dật), “Từ và từ vựng học tiếng Việt” (GS.TS Nguyễn Thiện Giáp), “Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa: Tư liệu và sự thật lịch sử” (GS.TS Nguyễn Quang Ngọc), “Văn học Việt Nam thế kỷ X đến thế kỷ XIX: Những vấn đề lý luận và lịch sử” (GS.TS Trần Ngọc Vương)…

Trong đó, cuốn sách “Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận” của GS Phan Huy Lê được tái bản lần thứ tư, có mặt trong tủ sách với sứ mệnh dẫn đường bởi quá trình lao động nghiên cứu, thu thập tư liệu nghiêm túc, cẩn trọng của tác giả giúp rút ngắn khoảng cách giữa trang sử được nhận thức với lịch sử tồn tại khách quan. Cuốn “Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa: Tư liệu và sự thật lịch sử” là kết quả hơn 20 năm kiên trì nghiên cứu, thu thập tư liệu, chứng cứ gốc ở cả trong nước và nước ngoài của GS.TS Nguyễn Quang Ngọc. Vì vậy, những trang sách - tư liệu có ý nghĩa khẳng định, một cách thuyết phục, về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…

Theo Tiến sĩ Phạm Thị Trâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, tủ sách không chỉ giới thiệu những công trình của các tác giả trong nước mà, sắp tới, còn giới thiệu những công trình khoa học quốc tế tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách sẽ giới thiệu một số công trình khoa học của các nhà nghiên cứu Việt Nam được biên soạn bằng tiếng nước ngoài.

Tạo thói quen đọc sách khoa học

Xuất hiện ở buổi ra mắt tủ sách không phải với lý do có nhiều đầu sách đóng góp cho công trình này hay để diễn giải về kết quả nghiên cứu khoa học của mình, GS Phan Huy Lê chỉ muốn bày tỏ sự ủng hộ với công việc đầy ý nghĩa của các đơn vị khi đưa tri thức đến gần với cuộc sống.

GS Phan Huy Lê chia sẻ: Hiện nay, thị trường sách ở nước ta phát triển phong phú, đa dạng với sự vào cuộc của cả đơn vị nhà nước và tư nhân. Nhưng, nhìn cụ thể từng cửa hàng sách, từng nhà xuất bản thì thấy đa số là sách “nhẹ nhàng” như tiểu thuyết, hồi ký… mang tính giải trí, hiếm thấy sách về các công trình nghiên cứu khoa học. “Có những cuốn sách nghiên cứu được phát hành ở Hà Nội thì vào TP Hồ Chí Minh không thể tìm mua được, và ngược lại. Đó là chưa nói đến sách nước ngoài”, GS Phan Huy Lê nhận xét. Điều này là thực tế bởi hiện nay, số lượng bạn đọc của sách khoa học không nhiều, thường là người trong giới nghiên cứu hoặc bạn đọc thuộc diện “mọt sách”, khiến cho số lượng phát hành loại sách này ngày một ít đi, những thành tựu nghiên cứu khoa học đáng phổ biến thưa vắng dần trên thị trường xuất bản, phát hành. Theo GS Phan Huy Lê, tình trạng này kéo dài sẽ tạo ảnh hưởng không có lợi cho sự phát triển dân trí và khoa học.

Làm thế nào để những thành tựu khoa học có tính nền tảng và tính ứng dụng cao được chuyển tải tới đông đảo bạn đọc, đó là điều khiến giới trí thức luôn trăn trở. Trong bối cảnh đó, tủ sách “Thành tựu khoa học và chuyển giao tri thức” ra đời đã góp phần trả lời câu hỏi này, tạo điều kiện kết nối các nhà khoa học với độc giả. Với hàng chục đầu sách, trong đó từng cuốn chỉ cần lướt qua là đủ biết chúng được chăm chút nghiêm cẩn, tỉ mỉ thế nào, người trong giới nhận ra ngay là việc xuất bản tủ sách chẳng thể mang lại khoản lãi đáng kể. Nhưng, như ông Nguyễn Hoàng Luân, Giám đốc Công ty cổ phần Tri thức văn hóa sách Việt Nam khẳng định, giá trị của tủ sách được tính bằng lợi ích của sự phát triển đất nước và cộng đồng. Sẽ không thể nhanh chóng thấy được điều đó, nhưng chắc chắn, việc làm hôm nay có ý nghĩa lớn đối với các thế hệ gánh vác tương lai đất nước sau này.

Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga khẳng định, tủ sách sẽ được phổ biến, phục vụ bạn đọc thông qua hệ thống thư viện từ trung ương đến địa phương, chắc chắn góp phần tạo thói quen đọc sách khoa học ở đông đảo bạn đọc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa tri thức đến gần cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.