Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cổ vũ sáng tác mang chất liệu Việt

An Nhi| 03/03/2019 07:58

(HNM) - Văn học fantasy (tạm gọi là văn học kỳ ảo) luôn là dòng văn học thu hút nhiều độc giả, bởi những câu chuyện siêu nhiên, mới lạ, kỳ bí.


Từ chất liệu dân gian và lịch sử

Phần 1 có tựa “Giếng cổ” của “Bãi săn” vừa ra mắt giữa tháng 2, hiện đã “cháy” hàng ở nhiều hiệu sách. Trên các trang bán sách trực tuyến, “Bãi săn” phần 1 cũng lọt tốp tiểu thuyết bán chạy của tháng 2. Nhiều độc giả đã chấm 5* và bình luận tốt về sách. Đây là dấu hiệu đáng mừng, không chỉ với văn học fantasy hay tác giả Nguyễn Đình Tú mà cho văn học Việt Nam.

Bìa phần 1 tác phẩm “Bãi săn”.


“Bãi săn” gồm 2 phần là “Giếng cổ” và “Phản đồ”, hiện mới có phần 1 đến tay độc giả. Tác phẩm kể về cuộc phiêu lưu kỳ lạ và hấp dẫn của nhóm sinh viên đại học sau cú ngã định mệnh của một thành viên. Họ bước vào một thế giới khác đan xen với cuộc sống hiện tại, có người rồng, người thú, phường săn và những sinh vật kỳ bí. Cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa nhân tính và thú tính, giữa thiện và ác, giữa chính nghĩa và tà đạo diễn ra đầy ly kỳ. Những câu chuyện tình bạn, tình gia đình, tình thầy trò, tình yêu đôi lứa trong sáng đan xen, tạo thêm sức hút cho tác phẩm. Đặc biệt trong “Bãi săn”, tác giả sử dụng nhiều chất liệu dân gian và lịch sử Việt Nam, ví dụ như hình ảnh người rồng lấy cảm hứng từ truyền thuyết “con rồng cháu tiên”; các địa danh, tên riêng như Tô Lịch, Không Lộ, đền Thánh Mẫu khá gần gũi… Nhiều sự kiện lịch sử thời Lý, Trần được khéo léo đưa vào tác phẩm thông qua lời kể và sự liên tưởng của nhân vật. Đây là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của “Bãi săn” với những tác phẩm văn học fantasy khác.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú cho biết, sau 10 cuốn tiểu thuyết viết về hiện thực, anh quyết định chuyển sang dòng văn học mới mẻ này từ thôi thúc làm mới của bản thân và sự tôn trọng độc giả. “Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, không lặp lại. Tôi muốn dâng hiến những điều mới đến độc giả quen thuộc của mình và tìm thêm những đối tượng độc giả khác”, nhà văn Nguyễn Đình Tú tâm sự. Để hoàn thành “Bãi săn”, tác giả đã phải mất nhiều năm tìm hiểu lịch sử, tìm đọc truyện cổ tích, truyền thuyết, dã sử và xây dựng cốt truyện.

Tuy nhiên, tác phẩm này vẫn có nhiều điểm phải bàn về nội dung, cách lựa chọn tình tiết, thêm nếm kịch tính, chiều sâu tư tưởng… Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu, giảng viên Lý luận văn học của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dù dành lời khen cho tác phẩm, song bày tỏ lăn tăn rằng, phần 1 chưa rõ ai là nhân vật chính - người dẫn dắt và giải quyết mọi nút thắt của câu chuyện…

Tiếp tục làm mới dòng văn học fantasy

Trước Nguyễn Đình Tú, có khá nhiều cây bút thử nghiệm với dòng văn học fantasy, như Hà Thủy Nguyên với “Thiên Mã”, Thùy Dương với “Kim cương”, Tô Đức Quỳnh với “Huyền thoại lục địa MU”, Phạm Bá Diệp với “Urem - Người đang mơ”, Phan Hồn Nhiên với bộ ba tác phẩm “Những đôi mắt lạnh”, “Chuỗi hạt”, “Xuyên thấm” hay tác giả Nguyễn Bình với “Cuộc chiến với hành tinh Fantom” viết khi đang học lớp 5… Các tác phẩm của họ đều tạo sự chú ý nhất định khi mới ra mắt, nhưng đến nay, ít người đi đường dài với dòng văn học này. Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu, dòng văn học fantasy đang góp phần làm cho bức tranh văn học Việt Nam đầu thế kỷ XXI thêm đa dạng, hợp với xu thế toàn cầu hóa, nhưng chưa đặc sắc. Yêu cầu của tác phẩm văn học fantasy là tác giả phải xây dựng được cốt truyện tốt, có sức tưởng tượng phong phú, vượt qua độc giả và giải quyết tình huống thuyết phục. Song thực tế, ít người làm đậm và sắc không khí fantasy trong tác phẩm. Một nguyên nhân nữa là các tác giả chưa tìm được nét riêng, thiếu bản sắc dân tộc, thường thiên về câu chuyện trong bối cảnh quốc tế. Và Nguyễn Đình Tú là tác giả đã và đang tìm hướng đi mới cho văn học fantasy Việt Nam với việc sáng tác dựa trên chất liệu Việt.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú chia sẻ: “Văn học fantasy giống như truyện cổ tích hay truyền thuyết, luôn tạo ra sự ám ảnh cho người đọc ở một tình tiết, đặc điểm nào đó. Ở “Bãi săn”, tôi dụng công đưa các chi tiết và những điển tích của người Việt, để bạn đọc ấn tượng, tò mò và lật giở lại lịch sử, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Với tôi, như thế là tác phẩm đã thành công. Tôi cho rằng mình là người mở rộng biên độ sáng tác của dòng văn học fantasy, để nhiều tác giả khác thấy kho tàng lịch sử, văn hóa nước ta có nhiều điều thú vị để khai thác”.

Trên thế giới và cả ở Việt Nam, dòng văn học fantasy với các tác phẩm tiểu thuyết, phim, truyện tranh hay game rất có sức hút giới trẻ. Đạo diễn Đào Thanh Hưng của các phim “Bộ tứ 10A8”, “Phóng viên vui nhộn”, “Mắt bão” cũng nhìn nhận, “Bãi săn” mang nhiều yếu tố điện ảnh và là đề tài hấp dẫn của điện ảnh. Tuy làm một bộ phim fantasy đòi hỏi đầu tư công nghệ và kỹ xảo hình ảnh lớn, nhưng chắc chắn sẽ ăn khách. Hơn nữa, một bộ phim kỳ ảo mang đặc trưng của văn hóa Việt có nhiều khả năng gây chú ý cho các nhà đầu tư. Điều này cho thấy, văn học fantasy mang chất liệu Việt có thể vượt ra khỏi những trang sách để đến với nhiều đối tượng công chúng hơn.

Theo nhà phê bình văn học Đoàn Minh Tâm, chúng ta nên khuyến khích nhiều người sáng tác những tác phẩm văn học lành mạnh và thuần Việt như “Bãi săn” - một bản hòa âm giữa lịch sử, dã sử, huyền sử, văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ vũ sáng tác mang chất liệu Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.