Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp thêm diện mạo mới cho bức tranh văn học Việt Nam

Hạ Yến| 20/11/2019 16:02

(HNMCT) - Ở Việt Nam, nghiên cứu về giới trong văn học đã bắt đầu được chú ý từ nhiều năm nay, đặc biệt khi những tiếng nói của những nhà văn nữ xuất hiện ngày càng nhiều. Một số cuộc hội thảo về văn học và giới đã được tổ chức để “giải mã” tính nữ trong văn chương cũng như đánh giá lại vị trí của nữ giới qua các thời kỳ lịch sử văn học.

Sự lên tiếng của các cây viết nữ

Từ xưa đến nay, “một nửa thế giới” được gọi là “phái đẹp” luôn là đối tượng trung tâm trong văn học Việt Nam. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, những định kiến khắt khe, những hủ tục lễ giáo của phong kiến xưa đã chà đạp thân phận người phụ nữ, khiến họ dù xuất thân quý phái hay bình dân, luôn phải chịu nhiều đau đớn, đắng cay, bất hạnh, phải “bảy nổi ba chìm” như chính văn sĩ đời xưa đã phải xót xa: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Biết bao số phận phụ nữ đã được phản ánh trong văn học trung đại. Đó Thúy Kiều mười lăm năm lưu lạc trong Truyện Kiều (Nguyễn Du), là người vợ mòn mỏi đợi chồng trong Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn), là Tiểu Thanh đầy cô đơn, tủi nhục trong Độc Tiểu Thanh ký (Nguyễn Du), là người cung nữ chôn vùi tuổi xuân nơi cung cấm lạnh lẽo trong Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), hay người vợ trầm mình xuống sông vì bị chồng nghi oan trong Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ)...

Ở giai đoạn 1930 - 1945, những định kiến vẫn tiếp tục in hằn trong nhiều sáng tác của các tác giả dòng văn học hiện thực như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, từng chi tiết, từng cách xưng hô trong các tác phẩm đã phản ánh rõ ràng khuôn mẫu giới và tư tưởng gia trưởng của xã hội bấy giờ vẫn chưa hề vơi bớt. Thậm chí cho đến ngày nay, khi đã ở thời kỳ hội nhập quốc tế nhưng ảnh hưởng của những nếp nghĩ cũ vẫn còn “vương vấn” trong nhiều tác phẩm đương đại. Có lẽ bởi thế, sự lên tiếng của nữ giới đang ngày một nhiều trên văn đàn, ở nhiều thể loại văn học.

Hiểu theo nghĩa rộng, văn học nữ có thể là nói về phụ nữ, có thể do phụ nữ viết hay hướng về độc giả, công chúng nữ. Chọn phụ nữ làm trung tâm trong tác phẩm, nhiều nhà văn nam hiện đại đã viết rất thành công về phụ nữ như Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thiều, Chu Lai... Theo Tiến sĩ Trần Thiện Khanh (Viện Văn học), “ngoài các tác giả nữ thì một số nhà văn nam, điển hình là Nguyễn Huy Thiệp, cũng có cái nhìn rất ưu ái khi viết về phụ nữ. Vì vậy, tác phẩm của ông giàu thiên tính nữ”.

Song, có lẽ đó vẫn là những góc nhìn của nam giới, mà dù đồng cảm thế nào cũng không thể thay thế cho tiếng nói từ người trong cuộc. Trong tiến trình văn học Việt Nam, ở những giai đoạn trước không có nhiều sự tham gia của nữ giới trên văn đàn. Xa xưa phụ nữ không được đi học, hiếm hoi vài người muốn được đi học đã phải cải trang thành nam giới. Những tài danh văn học nữ xa xưa ấy có thể đếm trên đầu ngón tay như Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương. Ngay cả “một thời đại trong thi ca” - phong trào Thơ Mới, các gương mặt nữ cũng không chiếm ưu thế, chỉ khoảng 10% với những cái tên như Ngân Giang, Anh Thơ, Hằng Phương, Vân Đài...

Năm 2015, bộ sách Phái đẹp, cuộc đời & cây bút gồm 2 cuốn Văn và Thơ - chuyển ngữ, phê bình, lý luận (do NXB Hội Nhà văn ấn hành) đã giới thiệu những tác giả nữ, từ các bậc “trưởng lão” như Nguyệt Tú, Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, Đặng Anh Đào, các nhà văn trưởng thành trong giai đoạn chống Mỹ như Lê Minh Khuê, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lưu Khánh Thơ đến những cây viết trẻ thế hệ 7x, 8x. Mặc dù chưa quy tụ đầy đủ các gương mặt văn chương nữ Việt Nam hiện đại, song bộ sách cho thấy lực lượng “tác giả tóc dài” đã tăng lên đáng kể, đặc biệt ở thế hệ nhà văn sau 1975. Sự lên tiếng của đội ngũ các cây viết nữ mang đến một diện mạo mới cho văn chương bằng những trang viết gần gũi, những xúc cảm lạ lẫm, mới mẻ.

Bước ngoặt của dòng chảy văn học nữ

Sự đồng cảm đã giúp các nhà văn nữ ngày càng có nhiều trang viết mới mẻ, gần gũi, hấp dẫn về nữ giới.

Theo nhà phê bình Thái Phan Vàng Anh, “sau 1975, số lượng các nhà văn nữ ngày càng nhiều. Tiếng nói nữ giới trong văn chương có khi còn áp đảo cả tiếng nói của nam giới (tiếng nói của nhà văn nam, của nhân vật nam). Ban đầu, có không ít ý kiến cho rằng văn chương phụ nữ, chuyện của phụ nữ,... chẳng bao giờ có tầm, một khi họ ít quan tâm về... đại sự. Song, cuộc sống không chỉ được dệt nên bởi các đại tự sự; và hơi thở của cuộc sống lại thường nằm ở những chi tiết, những câu chuyện nhỏ nhất mà chỉ trái tim nhạy cảm của phụ nữ mới có thể phát hiện, trân quý và níu giữ”. Thực tế chứng minh, những câu chuyện thường ngày nhỏ nhặt đã bước vào các trang viết của phụ nữ ngày một nhiều hơn và được độc giả đón nhận nồng nhiệt.

Đã hình thành nên những lớp độc giả nữ luôn sẵn sàng đón đợi các tác phẩm của những nhà văn nữ, những bài viết hay được phái đẹp chia sẻ mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội, thậm chí lập nên những cuộc trao đổi, chia sẻ từ văn ra đời. Có lẽ, sự đồng cảm là thứ mà chỉ cùng là phụ nữ mới có thể nói hộ cho hết tiếng lòng của nhau. Bởi thế những cái tên như Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Thùy Dương, Phan Thị Vàng Anh, Di Li, Phong Điệp... đã làm nên “thương hiệu” văn chương thiên tính nữ của riêng mình, rất thu hút độc giả. Và ở xã hội hiện đại, khi mà tiếng nói cá nhân ngày càng được tôn trọng thì những cá tính văn chương nữ ấy lại càng trở nên độc đáo, góp phần làm nên bức tranh văn học thêm phong phú, đa diện.

Có hay không lối viết nữ trong văn chương? Tiến sĩ Lê Thị Hường cho rằng, “không còn là lúc bàn về việc phụ nữ viết gì, đi vào vụn vặt đời thường hay xông/chạm vào những vấn đề gai góc; thể loại nào hợp với phụ nữ... mà từ góc nhìn giới, vấn đề đặt ra là liệu có lối viết nữ thật sự? Lối viết nữ (women’writing style) là khái niệm luôn được đề cập trong phê bình nữ quyền. Nhiều ý kiến cho rằng, điều làm nên nét riêng của lối viết nữ là cái tôi trực cảm. Một tiếng nói nữ bao giờ cũng đồng thời là một phát ngôn thân phận”.

Y Ban có lẽ là một trong những nhà văn lên tiếng mạnh mẽ nhất về nữ quyền trong văn chương với I am đàn bà, Đàn bà xấu thì không có quà… Ngay sau khi ra đời, những tác phẩm của chị đã gây nên nhiều tranh cãi. Tương tự, những nhục cảm sáng tạo trong thơ Vi Thùy Linh cũng từng tạo nên biết bao sóng gió trong dư luận... Không phải đơn giản là sự phá cách trong sáng tạo nghệ thuật, mà tiếng nói phản kháng, tiếng nói muốn giải phóng bản thân, tiếng nói đòi quyền bình đẳng ở phía bên trong sâu thẳm con người đã tìm được con đường văn chương để “đào thoát” ra ngoài. Mà tiếng nói bên trong ấy của các nhà văn, lại tìm được sự đồng điệu từ không ít độc giả nữ.

Song, văn học nữ không đồng nhất với nữ quyền, đó không chỉ là sự phản kháng hay đấu tranh quyền bình đẳng. Theo Tiến sĩ Lê Thị Hường, “nếu các nhà văn nữ thuộc thế hệ trước quan tâm đến bình đẳng giới, thì thế hệ thuộc hai thập niên đầu thế kỷ XXI khước từ “bí ẩn nữ tính”, lơi là với những bình ổn vật chất, thèm đi để trải nghiệm, để khám phá những khía cạnh khác nhau của con người mình”. Có thể viết với những phong cách khác nhau, nghiêm túc, hài hước hay lãng mạn, có thể lựa chọn những thể loại khác nhau, truyện ngắn, tiểu thuyết hay thơ, tạp văn, du ký, thậm chí là trinh thám, giả tưởng, thì người phụ nữ khi viết vẫn để lại ít nhiều những thiên tính nữ lên từng trang văn. Vô thức hay hữu thức, họ đã thổi sinh mệnh nữ vào văn chương, từ đó góp phần tạo nên bức tranh văn học Việt Nam thêm phong phú, đa dạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp thêm diện mạo mới cho bức tranh văn học Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.