Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hứng đôi giọt nước làm trong nỗi người

Hoàng Việt Hằng| 22/08/2020 15:23

(HNMCT) - Nhà thơ, dịch giả Tạ Minh Châu viết ít, nhưng kỹ. Sau nhiều năm làm Đại sứ tại Ba Lan và Lào, ông đã dịch 6 đầu sách gồm truyện, tiểu thuyết, tập thơ đoạt giải Nobel của nhà thơ Ba Lan Wislawa Szymborska sang tiếng Việt. Khi nghỉ hưu, ông mới dồn sức cho thơ với tập thơ đầu tay xuất bản năm 1994 mang tên Đi ngược hoàng hôn. Sau đó là các tập Lời neo trong đêm, Buộc vào và mới đây nhất là Chầm chậm nốt trầm.

42 thi phẩm trong tập thơ Chầm chậm nốt trầm cho người đọc thấy rõ ông xê dịch nhiều. Rồi như chiếc lá rơi về cội, đi, ngoảnh lại ký ức thật chậm ở vùng quê yêu dấu: “Khi trở về ngôi nhà cố hương của mình/ tôi thấy màu mồ hôi rịn những mặt giường/ những rổ rá, gầu sòng hun mình trên gác bếp/ những thúng, nồi, thất bát mùa lép kẹp/ những sắn khoai lăn lóc phận người”.

Tạ Minh Châu sinh ra ở vùng trung du, ngôi nhà yêu dấu của ông nằm trên một quả đồi. Nhớ quê, nhớ nhà, thi sĩ đắm đuối trở về trong nỗi nhớ mẹ, yêu mẹ sâu trong tâm khảm. Người mẹ, nơi miền trung du hay gọi là bầm. Bầm của ông ngày xưa: “Đặt lưng vừa mới kịp nằm/ giật mình chợt nhớ sắn băm dở chừng”, “Bầm nuôi con trong neo khó/ cố sao đủ bát cho từng đứa con/ cố cho đủ bấc đèn bàn…/ đủ biết nghĩ đủ tình thương/ đủ lương tâm để chọn đường mà đi”. Ai từng qua thời đạn bom, những tháng ngày bao cấp mới thấm được điều này; một người bầm đông con chỉ có cách cố, cố đủ bát cho từng đứa con từng bữa, chỉ mong đủ no thôi một ngày đói khổ. Dòng chảy của thơ không thấy động chạm đến nỗi thương khó của bầm mà vẫn rưng rưng tình nghĩa, nặng lòng, thấu hiểu của đứa con cúi xuống hiếu đễ với mẹ. Và Tạ Minh Châu có cách điêu khắc người bầm của mình bằng thơ: “Công bầm hơn cả núi non/ dẫu leo kiệt sức vẫn còn vợi cao”.

Tạ Minh Châu đã đi khắp năm châu. Thơ ông cũng cho thấy sự xê dịch rất rộng rất xa của ông với cách nhìn điềm tĩnh và đầy day trở: “Có mùa thu tắt lịm sắc vàng/ có con đò đợi mục bóng người sang”. Khi đến Ai Cập, ông viết: “ngập trong bạc vàng gấm vóc/ uy nghiêm hoàng đế yên nằm…/ bao giờ trở lại sông Nile…/ bâng khuâng một kiếp đi tìm”. Ở biển Baltic, ông có thơ: “Anh đã ra mũi Hel dài như dải lụa/ của nàng tiên không kịp kéo về trời”.  Lúc ở xứ nghìn hồ nước mênh mang (Ba Lan), giọng thơ của ông chùng xuống: “Ma-zu-ry xứ mù khơi/ thuyền em lẻ bóng một đời tìm anh”. Rồi khi đặt chân đến Wellington (New Zealand) lại “sợ rồi trăng… rồi sóng... rồi ta/ bỗng tan biến… chỉ còn là ảo mộng”.

Đặc biệt là khi dừng chân ở ngôi nhà của Chopin, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm Ba Lan, nhà thơ cảm nhận “thánh thót rơi sâu thẳm khúc u buồn”. Dường như chính âm nhạc đã thức tỉnh tình người không biên giới. Và nỗi buồn của nhà thơ Tạ Minh Châu có giống như cây hay như đá ngàn thu hóa thạch, hay thơ cũng có thể hóa thạch nỗi buồn? Tôi đã từng nhìn thấy ngàn năm cây hóa thạch, đẹp tới nỗi không dám thở, đá cũng hóa thạch để lại những vân nghĩ ngợi, còn thơ hóa thạch: “Không rõ có gì trong lòng người/ những nỗi buồn từng giọt rớt đời ta/ rồi cũng chừng hóa thạch/ những nỗi buồn giờ đã thành tro/ từng giây phút lụi vào mạch đất”. Tạ Minh Châu đã “chốt” nỗi buồn trong thước đo: “Những nỗi buồn là thước của riêng ta/ đủ đo từng ly hạnh phúc”. Phải chăng nếu nỗi buồn cuộc đời thực sự được đo bằng thước, thì con người sẽ đo được hạnh phúc và niềm hân hoan? Lại nhớ trong bài Thơ, dù Tạ Minh Châu không động chạm đến nỗi buồn, mà “có từ không thành tiếng/ rối lòng ai một đời”.

Nhưng Tạ Minh Châu, dù từng đi qua đền đài tráng lệ, những bảo tàng cổ, những vạn sông hồ, những lễ hội rực rỡ, cuối cùng vẫn không quên cây rơm nhà mình: “Cây rơm/ đốt lên cháy đến tận cùng/ nồi cơm gạo mới thơm lừng ngõ quê/ bện vào cùng với cán tre/ quét cho sạch mọi ê chề người ơi”. Đọc Chầm chậm nốt trầm, người đọc cũng muốn được cháy đến tận cùng với nốt trầm của nhiều cung bậc phận người từ dẻo đất trung du đến mọi nẻo đường trái đất, với thiên nhiên rực rỡ hay u buồn trong dòng chảy của sông sâu, núi thẳm mà Tạ Minh Châu đã bước qua và lưu giữ trong thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hứng đôi giọt nước làm trong nỗi người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.