Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai đề án khám, chữa bệnh từ xa: Mang lại nhiều lợi ích

Thu Trang| 06/07/2020 06:14

(HNM) - Việc ứng dụng công nghệ trong khám, chữa bệnh từ xa thời gian qua, nhất là khi thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, đã mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể là giúp các cơ sở y tế tuyến dưới nhận được sự hỗ trợ chuyên môn của tuyến trên khi cần thiết, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh… Chính vì vậy, Bộ Y tế vừa phê duyệt đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025. Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả đề án này, cần phải tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc.

Bệnh viện Nhi trung ương đã thực hiện Chương trình ứng dụng hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

Rõ hiệu quả nhưng vẫn còn vướng mắc

Thay vì phải di chuyển đến Hà Nội, một bé gái 13 tháng tuổi (ở phường Nông Trang, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) bị teo thực quản bẩm sinh đã được phẫu thuật tạo hình thực quản ngay tại quê nhà, nhờ hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (telehealth) giữa Bệnh viện Nhi trung ương và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương Lê Thanh Hải cho biết, trước đây, với những ca bệnh như vậy đều phải chuyển đến tuyến trung ương để can thiệp. Thế nhưng, nhờ telehealth, bệnh nhân ở tuyến dưới giờ đây được hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa, không phải chuyển viện. “Khi có cuộc gọi của tuyến dưới, có ca bệnh cần can thiệp, chúng tôi lập tức điều động chuyên gia từ các khoa cùng hỗ trợ từ xa”, ông Lê Thanh Hải nói.

Thời gian qua, từ 6 cuộc hội chẩn trực tuyến toàn quốc, hội tụ các chuyên gia giỏi khắp Bắc - Trung - Nam, Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã đưa ra các phương án điều trị tối ưu cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhất nước ta, đó là nam phi công (43 tuổi, người Anh). Nhờ vậy, từng bị rơi vào tình trạng nguy kịch, đến nay, nam phi công đã hồi phục toàn diện và có thể hồi hương vào ngày 12-7 tới.

Nhằm giãn cách người bệnh tại các cơ sở y tế trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tại Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội được Bộ Y tế lựa chọn thí điểm mô hình khám, chữa bệnh từ xa. Sau gần 2 tháng đi vào hoạt động, bệnh viện đã tổ chức 15 buổi khám, chữa bệnh từ xa với 29 bệnh viện. Tuy nhiên, theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu, việc này vẫn gặp khó khăn do hạ tầng cơ sở, công nghệ thông tin của bệnh viện còn hạn chế. Ngoài ra, vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn để triển khai mô hình một cách cụ thể. Đơn cử như việc chưa có hướng dẫn thanh toán khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế cho bệnh nhân, chi trả chi phí cho bác sĩ tham gia hội chẩn từ xa, thanh toán chi phí đường truyền…

Bộ Y tế cũng đặt mục tiêu, với một số nhóm bệnh mạn tính ở người cao tuổi, như: Tăng huyết áp, đái tháo đường… có thể được thăm khám từ xa, hạn chế người bệnh đến tái khám. Bác sĩ Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, can thiệp tim mạch - hô hấp (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho hay, với những bệnh này, về mặt chuyên môn, thông qua các chỉ số mà bệnh nhân cung cấp, bác sĩ có thể đánh giá và chỉ định thuốc. Song, không phải người dân nào cũng được trang bị các thiết bị y tế và biết cách đo huyết áp, đo đường máu chính xác tại nhà.

Các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thực hiện tư vấn khám chữa bệnh từ xa với bệnh viện tuyến dưới.

Xây dựng mạng lưới y tế không giới hạn 

Theo Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025 được ban hành kèm theo Quyết định số 2628/QĐ-BYT, ngày 22-6-2020, Bộ Y tế đã chỉ định 24 bệnh viện tuyến trên, gồm 18 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 6 bệnh viện của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tham gia đề án.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, khám, chữa bệnh từ xa không thay thế khám, chữa bệnh truyền thống, nhưng sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế, giúp tuyến trên không bị quá tải, nâng cao trình độ tuyến dưới, giảm tỷ lệ tái khám, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh… Tuy nhiên, về mặt ứng dụng công nghệ thông tin cần có nền tảng công nghệ hiệu quả, kết nối đa tuyến, phục vụ công tác khám, chữa bệnh thống nhất, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, gây lãng phí.

Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho biết, Bộ đã yêu cầu Vụ Bảo hiểm y tế phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính khẩn trương xây dựng giá dịch vụ y tế khám, chữa bệnh từ xa do bảo hiểm y tế chi trả. Nếu quy định được giá cụ thể của từng loại hình khám, chữa bệnh từ xa, thì bảo hiểm y tế sẽ có cơ sở thanh toán cho người bệnh. Khi đó, kinh phí duy trì triển khai khám, chữa bệnh từ xa được giải quyết, quyền lợi cho người bệnh được bảo đảm.

Để đề án triển khai có hiệu quả, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giao trách nhiệm cho các bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; bệnh viện tuyến tỉnh, huyện hỗ trợ tuyến xã. Khi tuyến dưới gặp ca bệnh khó có thể đưa lên hệ thống mạng kết nối tới tất cả cơ sở y tế. Bệnh viện có chuyên môn phù hợp sẽ hỗ trợ để bệnh nhân được điều trị kịp thời. Việc thực hiện đề án khám, chữa bệnh từ xa chính là tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến.

Giai đoạn 2020-2021, đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” ưu tiên đầu tư các chuyên khoa: Tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu... Ngoài ra sẽ đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, các thiết bị điện tử cầm tay thông minh... cho các bệnh viện tuyến trên và ít nhất 400 bệnh viện tuyến dưới (tuyến tỉnh, huyện và tư nhân). Giai đoạn 2021-2025, tiếp tục đầu tư bệnh viện tuyến trên có các chuyên khoa: Hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai đề án khám, chữa bệnh từ xa: Mang lại nhiều lợi ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.