Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều nước đạt tiến triển mới trong nghiên cứu vắc xin Covid-19

Minh Hiếu| 31/05/2020 06:31

(HNMO) - Tính đến 6h ngày 31-5, toàn thế giới có 6.148.224 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 370.472 trường hợp tử vong và 2.727.416 bệnh nhân đã hồi phục.

Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 kỷ lục trong ngày 30-5.

Châu Mỹ

Mỹ hiện vẫn là tâm dịch của thế giới với 1.815.428 trường hợp dương tính, trong đó có 105.535 người đã tử vong do Covid-19. Hãng AP ngày 30-5 đưa tin, chi phí các mặt hàng thực phẩm như thịt, trứng, khoai tây tại Mỹ đã tăng vọt trong bối cảnh hoạt động của các nhà máy chế biến và mạng lưới phân phối bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Đây cũng là mức cao nhất trong vòng 46 năm qua, và các nhà phân tích dự báo giá thịt nói riêng sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong ngắn hạn. 

Colombia đã ban hành các biện pháp mới để kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19 tại 3 thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi các khu vực khác trên cả nước chuẩn bị cho việc nới lỏng các biện pháp hạn chế. Colombia gia hạn phong tỏa toàn quốc tới ngày 1-7, song một số hạn chế sẽ được giảm bớt. Hàng ngàn doanh nghiệp dần được mở cửa trở lại với việc duy trì các biện pháp an toàn và giảm quy mô hoạt động.

Trong khi đó, thủ đô Bogota cùng 2 thành phố Cali và Cartagena sẽ vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế. Colombia hiện có 26.688 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 853 người đã tử vong.

Châu Âu

Ngày 30-5, Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố khẳng định tiếp tục ủng hộ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong việc dẫn đầu các nỗ lực quốc tế nhằm chống lại đại dịch Covid-19 và các mối đe dọa về sức khỏe trong tương lai; đồng thời, hối thúc Mỹ cân nhắc lại quyết định cắt đứt quan hệ với tổ chức này. 

Ngày 30-5, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, khoảng 2,2 triệu người dân thuộc nhóm đối tượng cực kỳ dễ bị tổn thương trước Covid-19 sẽ có thể ra ngoài với các thành viên trong gia đình kể từ ngày 1-6 tới, với điều kiện vẫn phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, những người này cũng được khuyến cáo chỉ nên ra khỏi nhà mỗi ngày 1 lần, không tới các cửa hàng mua sắm và nên tránh những nơi đông người. 

Từ ngày 3-6, Italia sẽ mở cửa biên giới cho du khách tới từ các quốc gia thuộc khu vực Schengen mà không yêu cầu cách ly bắt buộc.

Tại Romania, Thủ tướng Ludovic Orban đã phải trả khoản tiền phạt 690 USD sau khi một bức ảnh lan truyền trên các phương tiện truyền thông cho thấy ông ngồi trong văn phòng cùng một vài thành viên Nội các, hút thuốc và không đeo khẩu trang. Thủ tướng L.Orban sau đó đã thừa nhận vi phạm các quy định về phòng chống dịch và khẳng định các quy tắc phải được mọi công dân tuân thủ, bất kể vị trí của họ. Nếu quy định bị phá vỡ thì các biện pháp trừng phạt phải được thi hành. 

Ngày 30-5, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, các nhà khoa học nước này đang lên kế hoạch thử nghiệm lâm sàng một loại vắc xin mới chống Covid-19 trong vòng 2 tuần tới. Nga hiện có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ ba thế giới, sau Mỹ và Brazil, trong khi các nhà nghiên cứu nước này đang thực hiện gần 50 dự án phát triển vắc xin khác nhau. Bên cạnh đó, theo Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, Bộ Y tế nước này đã phê duyệt thuốc Avifavir cho quá trình điều trị Covid-19.

Châu Á

Ngày 30-5, Ấn Độ đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức kỷ lục với 8.336 ca nhiễm mới và 269 người tử vong. Nước này đã gia hạn lệnh phong tỏa tới ngày 30-6 tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, song vẫn cho phép các nhà hàng, trung tâm thương mại và các công trình tôn giáo được mở cửa trở lại từ ngày 8-6 với điều kiện bảo đảm duy trì giãn cách xã hội và bố trí giờ làm việc so le. Chính phủ Ấn Độ cũng hy vọng các tiểu bang sẽ mở cửa trở lại trường học vào tháng 7 tới. 

Ngày 30-5, Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản Trung Quốc (SASAC) cho biết, nước này sẽ có thể cung cấp ra thị trường một loại vắc xin phòng dịch Covid-19 ngay từ cuối năm nay hoặc đầu năm 2021.

Theo SASAC, trong các thử nghiệm lâm sàng, hơn 2.000 người đã được thử nghiệm dùng các loại vắc xin do Viện Các chế phẩm sinh học Vũ Hán và Viện Các chế phẩm sinh học Bắc Kinh phát triển. Cả hai sản phẩm này đều đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nước đạt tiến triển mới trong nghiên cứu vắc xin Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.