Theo dõi Báo Hànộimới trên

Anh và Nhật Bản ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện: Cú hích cho hợp tác song phương

Hoàng Linh| 25/10/2020 06:42

(HNM) - Nhật Bản và Anh vừa chính thức ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện, hiệp định thương mại tự do song phương lớn đầu tiên của đảo quốc Sương mù với tư cách một quốc gia thương mại độc lập sau khi rời Liên minh châu Âu (EU). Đây là văn kiện có ý nghĩa như cú hích cho hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới.

Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Elizabeth Truss và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu trong buổi lễ ký kết tại Tokyo (Nhật Bản).

Sau khi khởi động các cuộc đàm phán vào tháng 6-2020, các điều khoản thỏa thuận đã được Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Elizabeth Truss và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu đồng ý về nguyên tắc trong cuộc họp giữa tháng 9, trước khi ký kết vào ngày 22-10.

Sự thần tốc trong việc hoàn thành một bản hiệp định thương mại tự do song phương xuất phát từ việc cả London và Tokyo đều muốn nhanh chóng đạt được thống nhất về văn kiện này. Hiệp định cũng bảo đảm duy trì tính liên tục trong hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước sau khi giai đoạn chuyển tiếp tiến trình Anh rời EU kết thúc vào cuối năm nay. Yếu tố này có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19. 

Với mục tiêu này, nội dung hiệp định cơ bản tương đồng với Hiệp định Thương mại tự do Nhật Bản - EU (JEFTA), bao gồm cả việc miễn thuế phần lớn lượng hàng hóa qua lại giữa hai nước, thậm chí tới 99% hàng hóa của Anh xuất sang Nhật Bản. Đại diện của London và Tokyo chỉ đàm phán thêm vấn đề nhập khẩu ô tô của Nhật Bản và xuất khẩu thực phẩm của Anh. Thỏa thuận cuối cùng là Anh lập tức bỏ thuế nhập khẩu đối với toa tàu điện và phụ tùng ô tô của Nhật Bản, đồng thời chấp thuận duy trì lộ trình giảm dần thuế nhập khẩu ô tô của đối tác về 0% vào năm 2026 tương tự như JEFTA.

Về phần mình, Nhật Bản chấp nhận giảm thuế nông sản nhập khẩu từ Anh xuống bằng mức áp dụng với EU theo JEFTA. Hai bên cũng nhất trí rằng chính phủ sẽ không được phép yêu cầu doanh nghiệp tiết lộ các thuật toán được sử dụng trong công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu mã hóa, vốn là yếu tố rất quan trọng trong lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ tài chính. 

Theo lộ trình, hiệp định mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, sau khi hai bên hoàn thành các thủ tục phê chuẩn trong nước. Giới phân tích dự báo, tiến trình này sẽ không gặp trục trặc, bởi ngay từ đầu thỏa thuận đã được xây dựng rất cẩn thận, tránh nguy cơ nảy sinh mâu thuẫn.

Trong khi đó, đại diện Bộ Thương mại quốc tế Anh cho biết, văn kiện được kỳ vọng sẽ tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước thêm khoảng 19,9 tỷ USD. London cũng coi thỏa thuận này là cơ sở để đạt được các hiệp định thương mại tự do tương tự với những đối tác quan trọng, trong đó có Mỹ, Australia, Ấn Độ, qua đó bảo đảm sự ổn định kinh tế khi nước này rời EU. Qua Nhật Bản, Anh sẽ tiếp cận thị trường châu Á - Thái Bình Dương thuận lợi hơn, cũng như nhận được sự ủng hộ đối với nỗ lực tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Về phần mình, bằng việc duy trì các hoạt động thương mại ổn định với Anh, Nhật Bản cũng hy vọng cũng sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ với đồng minh kinh tế hùng mạnh bậc nhất châu Âu.

Tuy nhiên, các ý kiến phân tích vẫn chỉ ra một số kẽ hở nhỏ, như các công ty Nhật Bản có trụ sở tại Anh và hoạt động ở châu Âu băn khoăn về việc liệu London có đạt được thỏa thuận thương mại tự do với EU vào cuối giai đoạn chuyển tiếp hay không. Điều này sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh tại Anh của các công ty Nhật Bản.

Dẫu vậy, nhìn từ nhiều góc độ, hiệp định lần này là bước đi vững chắc cho một hành trình hợp tác triển vọng và lâu dài giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu của châu Âu và châu Á.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Anh và Nhật Bản ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện: Cú hích cho hợp tác song phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.