Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021: Bảo đảm an toàn, chất lượng

Thống Nhất| 26/05/2021 06:10

(HNM) - Đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ nguyên kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 vào các ngày 7 và 8-7. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ đang cùng với các địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội gấp rút xây dựng phương án tổ chức kỳ thi và tổ chức ôn tập ứng phó với các cấp độ của dịch, bảo đảm cho học sinh dự thi an toàn, chất lượng.

Ngành Giáo dục Hà Nội triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn cho các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. Trong ảnh: Các thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020. Ảnh: Nhật Nam

Có phương án tổ chức làm nhiều đợt

Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh và những người tham gia tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi theo nguyên tắc chỉ tổ chức ở các tỉnh, thành phố không thực hiện giãn cách xã hội; dự trù phương án tổ chức kỳ thi làm nhiều đợt…

Tại Hà Nội, thực hiện kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi; xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể tới các sở, ngành, địa phương; trong đó có phương án dự phòng trường hợp kỳ thi được tổ chức làm nhiều đợt. Ước tính, toàn thành phố có 193 điểm thi với khoảng 4.200 phòng thi.

Ông Lê Anh Tuấn, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) chia sẻ: "Thời gian qua, trên địa bàn huyện có nhiều ca bệnh, một số khu vực bị phong tỏa, ảnh hưởng nhiều tới tâm lý của học sinh cuối cấp. Khi biết tin kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có thể được tổ chức làm nhiều đợt, tôi rất mừng; con tôi cũng được giải tỏa tâm lý, yên tâm học tập hơn".

Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) Vũ Đình Hà, lứa học sinh lớp 12 năm nay có nhiều thiệt thòi, bởi hai năm liền đều có quãng thời gian học trực tuyến và vẫn đang duy trì hình thức học này. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đề thi tham khảo kịp thời đã giúp nhà trường có định hướng rõ trong dạy học, ôn tập. Hiện tại, học sinh đã hoàn thành việc đăng ký dự thi và đang ôn tập theo kế hoạch.

Em Nguyễn Minh Phúc, học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) bày tỏ: “Dịch Covid-19 đã khiến việc học tập gặp nhiều khó khăn. Em mong nội dung đề thi nằm trong phạm vi như đã công bố, tức là chủ yếu ở lớp 12 và không có những nội dung đã được tinh giản. Em sẽ giữ gìn sức khỏe để dự thi tốt”.

Học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Việt - Đức (quận Hoàn Kiếm) học trực tuyến trong thời gian tạm dừng đến trường do dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN

Tạo điều kiện tối đa cho học sinh

Năm nay, thành phố Hà Nội có số lượng học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều nhất cả nước, với hơn 101.000 học sinh, tăng khoảng 22.000 học sinh so với năm 2020. Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại, thực hiện Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 12-5-2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị, địa phương chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất. Sở cũng yêu cầu các nhà trường triển khai công tác tập huấn cho cán bộ, giáo viên nghiêm túc, bảo đảm 100% thành viên tham gia đều nắm vững quy chế, trong đó có tính đến cả số lượng cán bộ, giáo viên dự trữ, đề phòng trường hợp do ảnh hưởng của dịch mà phải điều động thay thế. Ngoài ra, Sở cùng các nhà trường chủ động xây dựng phương án ứng phó với dịch Covid-19, dốc sức ôn luyện cho học sinh trong chặng cuối, đồng thời tạo điều kiện tối đa để học sinh dự thi an toàn và chất lượng.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương cho biết, nhà trường dành sự quan tâm, hỗ trợ tốt nhất cho gần 700 học sinh lớp 12. Cùng với việc rà soát, phân loại học sinh, nhà trường luôn hỗ trợ, nhắc nhở các em cố gắng học đều các môn, coi trọng việc đánh giá thường xuyên và thực chất, kịp thời lấp đầy những “khoảng trống” về kiến thức, kỹ năng của từng học sinh, ở từng môn học.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mê Linh (huyện Mê Linh) Nguyễn Duy Chung thông tin, gần 500 học sinh lớp 12 của trường sẽ học trực tuyến đến ngày 28-5 theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Sau thời gian này, nhà trường xây dựng 2 phương án ôn tập: Nếu dịch được kiểm soát, học sinh sẽ tới trường ôn tập; trường hợp dịch còn diễn biến phức tạp, học sinh tiếp tục được ôn tập trực tuyến. Mỗi phương án có phương pháp ôn tập riêng, bảo đảm mỗi tuần học sinh được “thi thử” một lần.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại, đây là giai đoạn cao điểm, các nhà trường cần tập trung cao độ, xây dựng phương án ôn tập cho học sinh phù hợp, hiệu quả; quan tâm đến học sinh yếu, kém; có giải pháp cụ thể để khắc phục khó khăn trong điều kiện dạy, học trực tuyến.

“Trước mắt, các trường cần hướng dẫn học sinh ôn tập, chuẩn bị các điều kiện để mọi học sinh đều được tham gia, đạt kết quả tốt với các bài kiểm tra khảo sát do Sở tổ chức vào các ngày 28, 29 và 30-5 tới. Tuy nhiên, các trường cũng không được vì thành tích mà gây khó khăn, áp lực cho học sinh, cần quan tâm, động viên, giúp học sinh tiến bộ, thường xuyên nhắc các em thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, giữ gìn sức khỏe tốt để tham dự kỳ thi đúng kế hoạch”, ông Phạm Văn Đại nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021: Bảo đảm an toàn, chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.