Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch

Hà Phong - Lý Thị Mai| 19/09/2021 07:31

(HNM) - Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, từ ngày 9-7-2021 đến nay, đã có trên 2 triệu công nhân lao động cả nước phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm. Trước thực trạng này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất nhiều chính sách và gói an sinh xã hội hỗ trợ người lao động, đích đến là không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch.

Đại diện Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm trao hỗ trợ “Túi an sinh công đoàn” cho giáo viên Trường Mầm non A.

Để kịp thời chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ người lao động, các cấp công đoàn cả nước đã và đang triển khai 3 nội dung: Chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền gần 4.376 tỷ đồng; lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp, miễn đóng đoàn phí với người lao động bị ảnh hưởng; triển khai chương trình vắc xin cho công nhân.

Tuy nhiên, theo báo cáo của 27 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, thì đời sống người lao động vẫn nhiều khó khăn. Theo Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Trần Thị Thanh Hà, số đoàn viên, người lao động được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ rất thấp, chỉ 1.163.017/16.200.000 người (chiếm 7,1%) với số tiền 1.677/11.000 tỷ đồng (chiếm 15%).

Nhận định tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ khẩn cấp, đặc biệt là trong thời gian người lao động mới đi làm trở lại sau dịch chưa có thu nhập.

Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng cũng cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp đang duy trì 30%-70% số lượng người lao động làm việc. Riêng hướng dẫn viên du lịch đã 6-7 tháng nay phải nghỉ việc, không có nguồn thu nhập. Do vậy, còn số lượng lớn người lao động đang chờ việc làm cần được tiếp tục hỗ trợ...

Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Đình Hùng thông tin, việc triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam còn chậm, số người lao động được hưởng thụ còn ít so với thực tế.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trên cơ sở ý kiến cơ sở và khảo sát tình hình thực tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống nhất đề nghị bổ sung thêm các đối tượng là viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công khác như: Nhà khách, trung tâm văn hóa, cơ sở đào tạo nghề… cũng được hưởng chính sách tại Nghị quyết số 68/NQ-CP; thêm đối tượng người lao động chưa được ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia bảo hiểm xã hội cũng được quan tâm hỗ trợ như đối tượng không có quan hệ lao động (lao động tự do) nêu trong Nghị quyết số 68/NQ-CP và phải được hỗ trợ kịp thời để giảm bớt khó khăn cho người lao động.

Hiện nay, doanh nghiệp đang áp dụng “3 tại chỗ” chỉ duy trì việc làm được cho 30%-50% người lao động, do đó có một bộ phận lớn người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương đang gặp khó khăn nhưng không được hưởng hỗ trợ. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị những đối tượng này phải được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Đối với người lao động khi bị ngừng việc từ 14 ngày trở lên cần xem xét hỗ trợ mà không cần thêm điều kiện là tại các doanh nghiệp trong vùng phong tỏa, cách ly hoặc tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đặc biệt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xem xét dùng nguồn kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho tất cả người lao động đã và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên để động viên và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người lao động; đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách, gói an sinh xã hội mới thiết thực, hiệu quả hơn cho người lao động trong thời gian tới.

Theo Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng, Chính phủ vừa có báo cáo về tổng số kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 chuyển sang năm 2021 là hơn 89.100 tỷ đồng. Ngoài ra, số kết dư của Quỹ Ốm đau, thai sản năm 2021 cũng đang có gần 12.800 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là hơn 53.700 tỷ đồng; Quỹ Hưu trí, tử tuất hơn 789.100 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.