Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất chính sách, cơ chế để phát triển Thủ đô

Thu Hằng| 30/11/2021 06:09

(HNM) - Hà Nội đang trong giai đoạn xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội xung quanh những yêu cầu cùng các đề xuất cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để phục vụ cho việc xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn chủ trì hội thảo “Đề xuất chính sách huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ngày 12-11.

- Xin đồng chí cho biết, vì sao phải sửa đổi Luật Thủ đô?

- Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020, thành phố Hà Nội đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Thủ đô năm 2012.

Luật Thủ đô năm 2012 đã ban hành một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, sau 8 năm thực hiện, đến nay, các cơ chế, chính sách trong Luật Thủ đô năm 2012 nói chung và các cơ chế, chính sách về khoa học - công nghệ nói riêng đã không còn phù hợp, không có tính đặc thù, vượt trội so với các luật chuyên ngành ban hành sau Luật Thủ đô 2012. Do vậy, cần đề xuất những cơ chế, chính sách mới về khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo có tính vượt trội đưa vào Luật Thủ đô sửa đổi.

Thành phố Hà Nội đã báo cáo và được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương sửa đổi Luật Thủ đô cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Quốc hội cũng đã đưa nhiệm vụ sửa đổi Luật Thủ đô vào chương trình hoạt động của nhiệm kỳ.

- Đồng chí có thể cho biết những yêu cầu đặt ra trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội trong lần sửa đổi này?

- Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định: “Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực”.

Nội dung này đã được cụ thể hóa thành các mục tiêu của Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Cụ thể, xây dựng thành phố Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước. Là đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến... Trở thành trung tâm cung ứng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng trình độ quốc tế hàng đầu cả nước và là một trung tâm phần mềm hàng đầu châu Á...

Để hiện thực hóa chủ trương này, thành phố cần có những cơ chế, chính sách vượt trội để phát huy hiệu quả tiềm lực khoa học - công nghệ trên địa bàn Thủ đô. Do vậy, cần đề xuất những cơ chế, chính sách về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo có tính vượt trội đưa vào Luật Thủ đô sửa đổi. Dự kiến, năm 2024 sẽ trình Quốc hội thông qua, năm 2025 bắt đầu có hiệu lực và tác động của Luật Thủ đô sẽ đến năm 2035, 2045, thậm chí dài hơn.

- Hội thảo “Đề xuất chính sách huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo” do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội vừa tổ chức đã thu được những kết quả gì để phục vụ cho việc xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), thưa đồng chí?

- Tại buổi hội thảo, các chuyên gia, đại diện đơn vị đã đóng góp nhiều ý kiến đánh giá, phân tích, đề xuất cơ chế, chính sách quan trọng, làm cơ sở cho Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội hoàn thiện đề xuất với UBND thành phố.

Đó là, phát huy năng lực đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng... trên địa bàn cùng vào cuộc, đồng hành vì sự phát triển của Thủ đô. Đặc biệt, cần bố trí nguồn lực và trao quyền chủ động để thu hút chuyên gia, nhà khoa học giỏi chủ trì nhiệm vụ khoa học - công nghệ trọng điểm hoặc đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học - công nghệ của Thủ đô.

Đẩy mạnh việc doanh nghiệp tham gia, đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện, đổi mới trình độ công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh. Gắn hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với các mục tiêu phát triển của thành phố... Cùng với đó là thu hút các nguồn lực đầu tư cho khoa học - công nghệ; phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, các thành phần của thị trường khoa học - công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tạo cơ chế thông thoáng, linh hoạt và chủ động về tài chính, tổ chức bộ máy, biên chế và tuyển dụng đối với các đơn vị sự nghiệp khoa học - công nghệ thuộc thành phố để phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư cho khoa học - công nghệ của Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất chính sách, cơ chế để phát triển Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.