Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn vai trò ''nhạc trưởng''

Hà Vũ| 09/02/2023 06:18

(HNM) - Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang được triển khai quyết liệt và hiệu quả tại thành phố Hà Nội. Trong đó, nhiệm vụ khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng đã đạt được những bước tiến vững chắc. Kết quả này mang đậm dấu ấn của những “nhạc trưởng” - các cấp ủy Đảng và người đứng đầu cấp ủy từ thành phố xuống cơ sở.

Người dân huyện Mê Linh nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, ngày 9-1. Ảnh: Nguyễn Tuyền

Đầu tàu, gương mẫu

Có thể nói, ít có dự án nào được triển khai mà sự vào cuộc và vai trò của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cấp ủy lại rõ rệt, đậm nét như Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Vành đai 4). Trực tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án chung của cả 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo tổ chức ký giao ước thi đua giữa Chủ tịch UBND 3 tỉnh, thành phố và Chủ tịch UBND 15 quận, huyện của 3 địa phương với quyết tâm đến tháng 6-2023 bàn giao ít nhất 70% mặt bằng và hoàn thành 100% mặt bằng trong năm 2023.

Không chỉ theo sát tình hình, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng còn trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra công tác triển khai dự án. Cụ thể, đồng chí đã dành 1 ngày kiểm tra thực địa tại 6 huyện ngoại thành Hà Nội có dự án đi qua; làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Hưng Yên để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án. 

Tinh thần vào cuộc quyết liệt và sự gương mẫu, đi đầu của Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị Thủ đô. Các ban Đảng Thành ủy theo chức năng, nhiệm vụ sâu sát với địa bàn, từ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đến kiểm tra, giám sát, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... 

Ngày 3-2 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát với các quận, huyện có dự án đi qua. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết khẳng định, sẽ huy động sức mạnh của cả hệ thống kiểm tra, giám sát cùng vào cuộc từ sớm, từ xa với quyết tâm vừa kịp thời phát hiện, phòng ngừa sai sót, vừa động viên, khích lệ những cách làm hay, hiệu quả... trong quá trình thực hiện dự án. 

Cuộc sát hạch năng lực lãnh đạo, chỉ đạo

Cấp ủy, chính quyền các địa phương, nơi có Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bí thư quận, huyện ủy, bí thư Đảng ủy phường, xã, thị trấn trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo, là “nhạc trưởng” thực hiện dự án trên địa bàn, trước tiên là công tác giải phóng mặt bằng, với tâm thế chủ động, tích cực và trách nhiệm. 

Bí thư Đảng ủy xã Văn Khê (huyện Mê Linh) Đặng Văn Cường cho biết, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của huyện, Đảng ủy xã Văn Khê đã tổ chức hội nghị để quán triệt, phổ biến đến từng đảng ủy viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn, gắn với giao nhiệm vụ cho từng đồng chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giải đáp các thắc mắc về dự án, qua đó đã sớm tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Theo người dân ở thôn 6, xã Song Phương (huyện Hoài Đức), từ trước đến nay, trên địa bàn thôn có 4 dự án phải giải phóng mặt bằng nhưng chưa dự án nào được triển khai bài bản, được lòng nhân dân như Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Người dân rất phấn khởi, tin tưởng, nhiều gia đình mặc dù chưa nhận tiền hỗ trợ đã chủ động di dời phần mộ từ nhiều tháng trước.

Kết quả tổng hợp cho biết, đến nay, 7/7 quận, huyện có dự án đi qua đã lập xong phương án giải phóng mặt bằng tổng thể, xác định được vị trí các khu tái định cư. Tổng số mộ đã di chuyển là 4.916/11.682 ngôi, đạt 42%. Trong đó, việc di chuyển đạt kết quả cao nhất là huyện Mê Linh, đã hoàn thành 100% (370/370 ngôi mộ); huyện Sóc Sơn di chuyển được gần 100% (888/892 ngôi mộ); huyện Hoài Đức cũng đã di chuyển được 1.316/4.200 ngôi mộ; huyện Thanh Oai đạt 443/496 ngôi mộ; huyện Thường Tín di chuyển được 1.503/1.791 ngôi mộ, đạt 83,9%, trong đó 5/7 xã đã hoàn thành 100% nhiệm vụ di chuyển mộ.

Về nội dung này, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, để người dân đồng thuận, cấp ủy Đảng phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền, vận động. Các giải pháp triển khai đồng bộ, hài hòa, đi sâu vào chi tiết, nhất là phải quan tâm sâu sắc đến tâm tư, nguyện vọng của người dân, ngay cả vấn đề tâm linh cũng phải có giải pháp phù hợp.

Kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, phần còn lại của công tác giải phóng mặt bằng sẽ ngày càng khó khăn hơn. Đây chính là một cuộc sát hạch, là “thước đo” năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng, trong đó có trình độ lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy nơi có dự án đi qua.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, mốc giải phóng mặt bằng đã được bàn giao cho các địa phương trên toàn bộ 58,2km/58,2km đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua. Theo đó, tổng diện tích thu hồi trong phạm vi chỉ giới đường đỏ 797,29ha/58,2km. Số hộ tái định cư là 1.006 hộ. Dự kiến bố trí 13 khu tái định cư/392.789m2; di chuyển 43 cột điện cao thế (110kV, 220kV, 500kV). Đặc biệt, số ngôi mộ cần di dời là 11.682 ngôi. Đây là nhiệm vụ có khối lượng lớn và rất khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, bản lĩnh và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn vai trò ''nhạc trưởng''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.