Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Cuộc chiến toàn cầu

Trí Dũng - Xuân Việt| 28/06/2019 06:50

(HNM) - Chủ quyền không gian mạng được nhiều quốc gia đặc biệt coi trọng trong “thế giới phẳng” hiện nay, xếp ngang với chủ quyền biên giới quốc gia.

Trung tâm An ninh mạng Đông Nam Á tại Thái Lan.


Theo thống kê của Smartinsight.com, mỗi phút có khoảng 360 nghìn người dùng đăng ký mới trên Facebook, 300 nghìn chủ đề (status) được cập nhật, 50 nghìn đường dẫn (link) được chia sẻ, khoảng 134 nghìn ảnh được đăng tải và 100 nghìn đề nghị kết bạn mới. Với YouTube, mỗi phút có hơn 400 giờ nội dung được đăng tải. Với Facebook, trong một thông báo năm 2017, đã thừa nhận có tới 270 triệu tài khoản trên mạng xã hội này là không hợp pháp. Với số lượng tài khoản không hợp pháp và nội dung đăng tải lớn như trên, việc phát hiện và ngăn chặn thông qua “bộ lọc” công nghệ những nội dung không đúng sự thật là rất khó khăn.

Tuy nhiên, nhận thức rõ được “không gian ảo” nhưng gây “hậu quả thật” nên 138 quốc gia trên thế giới đã ban hành luật an ninh mạng với các tên gọi khác nhau. Trong đó, ít nhiều đều có đề cập cũng như đưa ra các giải pháp ngăn chặn vấn nạn tin giả, đặc biệt là tin giả trên mạng xã hội liên quan đến an ninh quốc gia, đời sống chính trị - xã hội có ảnh hưởng đến số đông. Nhiều quốc gia quy định những khoản tiền phạt lên đến hàng chục triệu USD đối với Facebook hay Google nếu không cho phép người dùng khiếu nại về nội dung kích động thù hận và tin giả, hoặc từ chối loại bỏ những nội dung bất hợp pháp theo yêu cầu của chính quyền hay tòa án. Với những cá nhân vi phạm, hình phạt không chỉ là tiền mà có thể bị xử lý hình sự, đi tù.

Tại Nga, ngày 18-3-2019, Tổng thống V.Putin đã ký ban hành và công bố hai đạo luật theo hướng xử phạt nặng các hành vi phổ biến tin giả và xúc phạm biểu tượng nhà nước trên môi trường internet. Đạo luật thứ nhất nhằm xử phạt các hành vi “xúc phạm các biểu tượng và thể chế nhà nước”. Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt ở mức tối đa là 300 nghìn ruble (tương đương 4.500 USD) nếu “thông tin được thể hiện dưới hình thức khiếm nhã, xúc phạm nhân phẩm và đạo đức xã hội, thiếu tôn trọng xã hội, nhà nước, các biểu tượng nhà nước chính thức của liên bang, hiến pháp hay các cơ quan thực hiện quyền hành pháp nhà nước tại Liên bang Nga”. Nếu phát hiện thông tin dạng này, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ yêu cầu áp dụng các biện pháp loại bỏ và ngăn chặn sự lan truyền trên internet…

Ở đạo luật thứ hai, Nga cấm truyền bá các thông tin giả mạo “có tầm ảnh hưởng xã hội lớn”, có nguy cơ gây hại cho cuộc sống của công dân, gây xáo trộn trật tự xã hội quy mô lớn hoặc vi phạm an ninh công cộng. Mức phạt tiền cao nhất cho hành vi này có thể lên tới 1,5 triệu ruble (khoảng 22.000 USD)… Luật cũng cho phép nhà chức trách có quyền chặn các trang web nếu không tuân thủ yêu cầu gỡ bỏ thông tin mà chính quyền cho là sai sự thật.

Australia cũng đã thông qua Luật An ninh mạng vào ngày 6-12-2018, trong đó có nội dung yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp nền tảng mạng xã hội có trách nhiệm hợp tác với chính quyền để ngăn chặn tin giả. Nước này yêu cầu Facebook, Google và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải có trách nhiệm hợp tác, giúp đỡ cơ quan chức năng trong điều tra tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia và chống khủng bố, với các chế tài xử phạt bằng hành chính và hình sự nghiêm khắc…

Tại Đông Nam Á, các nước: Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia cũng đã có văn bản luật hoặc hành động cụ thể để đối phó với tình trạng tin giả, đặc biệt là tin giả phát tán trên mạng xã hội. Trong đó, Singapore là quốc gia có các giải pháp mạnh mẽ nhất. Cụ thể là ngoài Luật An ninh mạng ban hành năm 2017, ngày 1-4-2019, Chính phủ nước này đã đệ trình Quốc hội thảo luận “Dự luật đấu tranh, xử lý thông tin sai sự thật và thủ đoạn lôi kéo, lừa phỉnh trên internet”.

Theo dự luật, Singapore sẽ phạt nặng Facebook và các mạng xã hội khác nếu họ không tuân theo lệnh kiểm duyệt nội dung của chính quyền, phát tán tin sai sự thật, nhất là thông tin gây tổn hại đến an ninh quốc gia, an toàn công cộng, bình yên xã hội hoặc quan hệ của Singapore với các nước khác. Các cá nhân vi phạm đạo luật sẽ đối mặt với mức phạt tiền hơn 36.000 USD và tối đa 5 năm tù; nếu tin giả được đăng bằng tài khoản nặc danh hoặc phần mềm tự động, mức phạt tăng lên 73.000 USD và tối đa 10 năm tù. Các công ty cung cấp nền tảng mạng xã hội nếu bị ghép tội lan truyền tin giả sẽ đối mặt với mức phạt khoảng 740.000 USD. Đặc biệt, việc xác định thế nào là tin giả hoàn toàn do Chính phủ Singapore quyết định và đưa ra các hình thức xử lý tương ứng, bao gồm đính chính, xóa bài viết hoặc khởi tố cá nhân, tổ chức ra tòa án…

Trước xu hướng toàn cầu, sức ảnh hưởng của mạng xã hội tới tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nước diễn biến phức tạp, câu hỏi đặt ra là Việt Nam có giải pháp gì để ngăn chặn nạn tin giả?

Luật An ninh mạng đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12-6-2018, có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2019. Điểm d, Khoản 1, Điều 8 của Luật An ninh mạng nghiêm cấm “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Tuy nhiên đến nay, nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng do Bộ Công an soạn thảo vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Việc bảo đảm những quy định trong Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống, phát huy sức mạnh, hiệu quả là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, trong trường hợp cần có sự phối hợp của cơ quan chức năng nước ngoài để xử lý các vấn đề mà Việt Nam quan tâm là điều Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng cần phải cân nhắc hướng đến. Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền. Tăng cường kiểm soát an ninh mạng, trong đó có hoạt động truyền thông mạng xã hội sẽ góp phần xác lập chủ quyền quốc gia trên internet, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Cuộc chiến toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.