Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội

Hiền Thu| 04/01/2021 19:26

(HNMO) - Chiều 4-1, Bộ Nội vụ phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu. Ảnh: Xuân Hải

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Trưởng ban soạn thảo Nghị định đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương, một số sở, ngành, quận, phường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng cho biết, đến nay, dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội có 6 chương, 34 điều. Trong đó, có các chương quy định về: Tổ chức và hoạt động, chế độ trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND phường; tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường; tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; công tác lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách quận, phường…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, việc góp ý vào dự thảo Nghị định là vấn đề quan trọng, đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội; đặc biệt là đối với việc phát triển chính quyền đô thị trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, trước khi có dự thảo Nghị định, Thường trực Thành ủy Hà Nội có báo cáo với Ban soạn thảo về một số nội dung: Nguyên tắc hoạt động, làm việc của UBND cấp phường; bộ máy giám sát của quận, huyện trong điều kiện không có HĐND cấp phường; bổ sung biên chế, công chức cho phường; công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; tài chính ngân sách; tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức; trách nhiệm thi hành... đã được ban soạn thảo tổng hợp, chỉnh sửa.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Hải

“Hội nghị lần này tiếp tục là cơ hội để lãnh đạo các phường, quận từ thực tiễn địa phương, rà soát, góp ý xem còn có những vấn đề gì cần bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh, để hạn chế thấp nhất văn bản hướng dẫn Nghị định sau này”, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến vào một số vấn đề cụ thể về: Biên chế công chức, chính quyền địa phương, phân cấp, ủy quyền, sự khác biệt giữa việc xây dựng chính quyền đô thị phải khác chính quyền nông thôn…

Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn thông tin thêm, thành phố Hà Nội có những đặc thù riêng, phát sinh nhiều vấn đề dân sinh phức tạp… Do đó, cần có quyết sách linh hoạt, phản ứng chính sách nhanh để giải quyết các vấn đề thực tiễn dân sinh bức xúc, đồng thời, việc đẩy mạnh phân cấp cho các quận, huyện là rất cần thiết.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu rõ, các ý kiến góp ý có tính chất đóng góp, phản biện, bổ sung, Ban soạn thảo Nghị định sẽ ghi nhận, tiếp thu. Đồng chí cũng đề nghị Sở Nội vụ Hà Nội tổng hợp, trao đổi với các sở, ngành liên quan thống nhất nội dung để Bộ Nội vụ tổng hợp các vấn đề bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.