Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xe buýt công cộng và một Thủ đô hiện đại

ADMIN| 12/06/2003 16:45

Nhờ quá trình đổi mới, kinh tế của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang ngày càng nâng lên. Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Hà Nội như Phù Đổng trong huyền thoại, đang vươn vai đứng dậy. Từ một Hà Nội cũ, chỉ có bốn khu vực nội thành nép bên sông Hồng, Hà Nội ngày nay đang vươn rộng với 12 quận, huyện, vượt qua bên kia sông. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào mãnh liệt về tầm vóc của Thủ đô hôm nay, Hà Nội đang đứng trước một vấn nạn nóng bỏng mà mỗi người dân đều phải quan tâm. Đó là tình trạng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đang ngày một gia tăng.

Nhờ quá trình đổi mới, kinh tế của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang ngày càng nâng lên. Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Hà Nội như Phù Đổng trong huyền thoại, đang vươn vai đứng dậy. Từ một Hà Nội cũ, chỉ có bốn khu vực nội thành nép bên sông Hồng, Hà Nội ngày nay đang vươn rộng với 12 quận, huyện, vượt qua bên kia sông. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào mãnh liệt về tầm vóc của Thủ đô hôm nay, Hà Nội đang đứng trước một vấn nạn nóng bỏng mà mỗi người dân đều phải quan tâm. Đó là tình trạng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đang ngày một gia tăng.

Nguyên nhân của tình trạng trên có rất nhiều. Song rõ rệt nhất là sự gia tăng quá nhanh của phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy. Hiện Hà Nội có hơn 1,1 triệu xe máy, chưa kể số lượng xe của khách vãng lai và người ngoại tỉnh. Trong khi mật độ đường của Thủ đô chỉ đạt 0,19km/1000 dân. Đường rộng 15m trở lên không nhiều, đường ngắn hơn 500 m và nhỏ hơn 10m lại chiếm tới 60%. Những số liệu căn bản trên cho thấy: muốn giải quyết tình trạng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ở Thủ đô trước hết phải tìm cách giảm tối đa số lượng phương tiện tham gia giao thông. Phương án giản đơn duy nhất là xây dựng tốt hệ thống giao thông công cộng trong thành phố, mà trước mắt và có tính khả thi là hệ thống xe buýt.
Thực ra xe buýt công cộng không phải là một khám phá mới mẻ. Từ rất lâu ở Hà Nội đã có xe buýt công cộng. Những năm tháng xe đạp chiếm số đông trên các đường phố thì xe buýt chỉ hoạt động đơn thuần phục vụ những người không có phương tiện giao thông cá nhân đơn sơ này. Rất đáng tiếc lúc đó xe buýt không phải là hình ảnh gợi cho người Hà Nội những ấn tượng hay! Những ai đã trải qua thời kỳ bao cấp hẳn vẫn còn nhớ cảnh những chiếc xe khách lặc lè, ì ạch chạy trên đường. Hành khách trên xe chật cứng, chen chân, ngạt thở bên gà lợn, ngan, ngỗng... cùng những tải rau, sọt khoai... Sơ ý, lơ là một chút là có thể bị rạch túi, mất cắp... Nỗi sợ ám ảnh đến tận sau này, khiến cho nhiều người mang một quan niệm sai lầm rằng; xe buýt là cách cuối cùng chỉ sử dụng khi không còn phương tiện nào khác!
Xe buýt chỉ bắt đầu mang sứ mệnh quan trọng khi xe máy phát triển ngày càng nhiều và trên các đường phố lưu lượng xe đạp, xe máy trở nên quá tải. Các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhiều thông tin về những tai nạn giao thông nặng nề, đau đớn. Số vụ tai nạn giao thông trở nên không thể kiềm chế. Những ý kiến bức xúc về giao thông đô thị ngày càng nhiều. Nạn ùn tắc giao thông trở thành mối lo chung của người dân Thủ đô. Trong những giờ cao điểm, Hà Nội có tới hàng chục điểm đen về ùn tắc giao thông, chưa kể nhiều đoạn ùn tắc cục bộ như trước cổng trường học, chợ, các công trình xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng. Thiệt hại kinh tế do ùn tắc giao thông ở Hà Nội ước tính là 1 tỷ đồng/ngày. Những chất độc hại từ khí thải của các phương tiện tham gia giao thông thải ra cùng với bụi là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh về đường hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng lao động của con người. Đó là chưa tính đến sự tàn phá của nó với môi trường... Trước tình trạng đó, sự đầu tư của Thành phố cho ngành dịch vụ vận tải hành khách công cộng bắt đầu được quan tâm hơn. Cty vận tải và dịch vụ vận tải hành khách công cộng cũng thay đổi cách thức kinh doanh và phong cách phục vụ khách hàng. Từ chỗ số lượng xe ít, chất lượng xe kém, tuyến đường hạn chế, vắng khách... năm 2002, xe buýt Hà Nội ước đạt con số kỷ lục với 45,6 triệu lượt hành khách, tăng gấp 3 lần cùng kỳ và vượt 66,2% kế hoạch đề ra. Hiện Cty Vận tải hành khách công cộng Hà Nội đã có 406 xe buýt, trong đó xe mới chiếm 67%, phục vụ trên 38 tuyến đường trong Thành phố. Chất lượng phục vụ được nâng lên đáng kể. Những vật nuôi, hàng hóa cồng kềnh không còn chiếm chỗ trên các chuyến xe. Nạn trộm cắp, cò mồi, cờ bạc bịp bị xóa sổ. Vé tháng phục vụ khách hàng thường xuyên không chỉ là đơn tuyến như trước đây mà đã có vé liên tuyến, tiện lợi. Xe không đỗ dừng tự do, thái độ của nhân viên phục vụ cũng thay đổi. Tiếp xúc với những hành khách đi xe buýt chúng tôi nhận thấy một điều: học sinh, sinh viên và công nhân lao động chiếm tỷ lệ lớn. Đại đa số đều cảm thấy thoải mái khi đi xe buýt. Rất nhiều người trong số họ có điều kiện đi xe máy, song họ lựa chọn xe buýt vì "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu" và tránh được những căng thẳng của bản thân trên đường. Những hành khách thường xuyên của xe buýt Hà Nội có một mong muốn chung là: tăng tuyến trong những giờ cao điểm. Cũng như mọi loại hình dịch vụ công cộng, xe buýt không thể tránh khỏi cảnh "làm dâu trăm họ". Song điều quan trọng là những kiến nghị khác nhau, như: kéo dài lộ trình, nhà chờ cần rộng hơn, tăng cường xe cho các tuyến ngoại thành... đều xuất phát từ mong muốn xe buýt hoàn thiện hơn, phục vụ thông dụng hơn nữa. ở góc độ người quản lý rất cần quan tâm đến những kiến nghị này, vì lẽ đơn giản: người dân đòi hỏi, đề nghị có nghĩa là họ đang rất quan tâm đến xe buýt, cần có xe buýt.
ậ một số nước, xe buýt công cộng, ô tô con là phương tiện chính tham gia giao thông. ở đó không nhất thiết đường sá đạt tiêu chuẩn cao cấp, rộng lớn... Ngay các thành phố cổ, nhỏ, không có tàu điện ngầm, đường phố tương tự Hà Nội như Ri-ga, Kisinhôp, Kaunas... xe buýt vẫn là phương tiện giao thông chính của người dân. Vậy thực chất vấn đề không nằm ở điều kiện đường sá, mà ở sự quan tâm đầu tư cho xe buýt và thói quen, ý thức của người dân.
Có quá nhiều phương án đưa ra để hạn chế sự gia tăng của xe máy. Những biện pháp cứng rắn như: đánh thuế, thu phí cao, xử phạt nặng, dừng đăng ký, cấm lưu hành... thực tế chỉ tạo nên những phản ứng không cần thiết ở người dân, gây căng thẳng trong dư luận, hiệu quả đạt được thấp. Lâu nay người dân mua sắm xe máy không chỉ để phục vụ nhu cầu đi lại mà nó còn đóng vai trò tài sản có giá trị trong gia đình. Từ bỏ một thói quen, nếp nghĩ đã khó. Càng khó khăn hơn khi việc từ bỏ đó tạo ra thiệt hại kinh tế trước mắt. Mặt khác, không phải người dân không ý thức được mối nguy hại của việc gia tăng xe máy và những bức xúc của giao thông đô thị. Song công bằng mà nói, xe buýt chưa thực sự đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Những gì xe buýt Hà Nội đạt được mới chỉ đáp ứng 11% nhu cầu của nhân dân. Con số đáng khích lệ với sự nỗ lực của ngành giao thông công chính, song đó là một tỷ lệ quá thấp cho quy mô mang tính quốc gia. Ai cũng thấy sợ tắc đường, bức xúc trước tình trạng tai nạn giao thông phổ biến, khói bụi trên đường phố... Vậy nhưng rời bỏ chiếc xe máy không phải dễ dàng. Và nghịch cảnh vẫn diễn ra trên từng ngày với những người dân. Ngày đi xe máy, khẩu trang bịt kín mặt, tối lại đi tập bách bộ để tránh căng thẳng, để giảm cholesteron... Quy trình trên hoàn toàn có thể thu gọn, vừa có ích cho sức khỏe người dân, vừa có lợi cho xã hội bằng cách vận động đi bộ ra bến và đi xe buýt.
Việc đầu tư xây dựng hệ thống xe buýt hoạt động tốt được thực hiện thành công sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề của xã hội. Không chỉ thanh toán những bức xúc của giao thông đô thị, tình trạng ô nhiễm môi trường mà nó kìm chế được nạn xe máy bị hạn chế sử dụng ở các nước trong khu vực đang đổ dồn vào tiêu thụ ở Việt Nam. Đầu tư không thể đơn thuần là tăng xe, tăng chuyến mà điều cốt yếu là phải làm sao cho xe buýt trở nên thực sự tiện lợi, giá thành rẻ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết thực của đông đảo tầng lớp nhân dân. Để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh riêng của Hà Nội, có thể tăng cường loại xe nhỏ cho các tuyến phố nhỏ, có tuyến xe phục vụ riêng học sinh các trường tiểu học, phát hành vé tháng với giá ưu đãi hơn, tiện mua, tiện sử dụng… Có như thế xe buýt mới thực sự hấp dẫn, thu hút hành khách. Khi được thỏa mãn nhu cầu đi lại một cách hợp lý hơn, tốt hơn, người dân sẽ tự nguyện thay đổi cách sinh hoạt của mình.
Năm 2003, dự kiến tổng đầu tư của Bộ Giao thông- Vận tải là 11.711 tỷ đồng, tăng 15,7% so với kế hoạch năm trước. Đầu tư cho các doanh nghiệp trong ngành là 930 tỷ đồng, trong đó tập trung cho cơ khí đường bộ, đường sắt. Hướng đi đã rõ ràng. Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng dự tóan đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2002-2005. Không lẽ Hà Nội lại khoanh tay đứng chờ? Để có một Hà Nội vừa cổ kính, vừa hiện đại, xứng đáng là Thủ đô, niềm tự hào của cả nước, thiết nghĩ cần có những bước đột phá quan trọng. Trong đó xe buýt công cộng là một vấn đề rất đáng được quan tâm, đầu tư...
Nguyễn Trà Mi
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xe buýt công cộng và một Thủ đô hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.